Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Chia sẻ Facebook
27/09/2023 04:35:17

Tình trạng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật đã diễn ra nhiều năm nay, tuy có những chế tài xử phạt, nhưng dường như vẫn không thực sự ngăn chặn được tình trạng này. Với sự ảnh hưởng của giới nghệ sĩ đối với công chúng, việc quảng cáo sai sự thật hoặc thổi phồng công dụng của sản phẩm đôi khi để lại những hệ quả khôn lường...

Mới đây, nghệ sĩ Cát Tường đã lên tiếng xin khán giả tha thứ vì đã quảng cáo 'sữa có tác dụng trị tiểu đường' sai sự thật. Ảnh chụp từ clip


Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật

Mới đây, nghệ sĩ Cát Tường đã lên tiếng xin khán giả tha thứ vì đã quảng cáo 'sữa có tác dụng trị tiểu đường' sai sự thật.

Theo đó, hồi đầu năm, Cát Tường nhận lời quay video quảng bá một nhãn sữa với thông tin cho rằng sản phẩm có thể thay thế thuốc trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, theo Cục An toàn thực phẩm, sữa tiểu đường chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hoàn toàn không có tác dụng là thuốc.

Sáng 24/9, tại TP Hồ Chí Minh, diễn viên lần đầu tiên lên tiếng về lùm xùm. 'Nhiều tháng qua, tôi khủng hoảng vì liên tục bị chỉ trích quảng cáo lố, thổi phồng công dụng loại sữa này. Nhiều người bảo tôi tiếp tay cho lừa đảo. Tôi muốn lần duy nhất thừa nhận trách nhiệm về lỗi lầm của bản thân, mong dư luận cho cơ hội sửa sai', diễn viên nói.

Cát Tường giải thích trước khi nhận lời quảng cáo cho thương hiệu sữa, đã kiểm tra giấy tờ kinh doanh của sản phẩm. Diễn viên thừa nhận chủ quan khi quảng cáo sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. 'Tôi sai khi lấy uy tín bản thân ra đảm bảo cho chất lượng, công dụng của sản phẩm khi quảng cáo lố', diễn viên cho biết.

Khi sự việc xảy ra, Cát Tường đã liên lạc bên nhãn hàng, nhờ tháo gỡ các video nhưng việc này không diễn ra nhanh chóng vì chưa hết hạn hợp đồng sáu tháng. Cô cho biết, các đại lí của nhãn hàng cũng đăng lại video, cắt ghép, khiến sự việc nằm ngoài tầm kiểm soát.

Cát Tường gửi lời xin lỗi và hứa sẽ nỗ lực bù đắp hậu quả từ hành vi của mình. 'Những cái gì không phải, xin mọi người hiểu việc làm của tôi chỉ vì mưu sinh, vì nhiệt tình quá', cô bộc bạch.

Việc nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật như MC Cát Tường không hiếm tại Việt Nam.

Trước đó, nghệ sĩ Hồng Vân cũng từng xin lỗi khán giả khi quảng cáo về một viên sủi thảo dược. Cô giới thiệu thực phẩm chức năng này có tác dụng phòng các loại bệnh u xơ, cân bằng nội tiết tố. Tuy nhiên, sản phẩm này đã bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo không đúng công dụng như quảng cáo.

Hoặc như hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi như: Đức Thịnh, Ưng Hoàng Phúc, Ngân Quỳnh, Mỹ Uyên, Hoàng Sơn, Hoàng Mập... khiến dư luận xôn xao khi xuất hiện trong clip quảng cáo liệu trình “siêu giảm béo” sai sự thật của một phòng khám tại TP Hồ Chí Minh. Cơ sở này sau đó đã bị xử phạt và tước giấy phép hoạt động, tuy nhiên các nghệ sĩ tham gia tiếp tay vẫn không hề có phản hồi trước công chúng.

Sau khi bị báo chí lên án, nhiều người nổi tiếng đã âm thầm xóa bài viết, xem như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Hành vi

quảng cáo sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Về vấn đề này, theo luật sư Hoàng Văn Doãn, Đoàn Luật sư Hà Nội trước đây, các nghệ sĩ quảng cáo thông qua hình thức tham gia video với tư cách diễn viên diễn theo kịch bản. Nhưng vài năm gần đây, họ quảng cáo thông qua livestream. Trên tài khoản cá nhân, nghệ sĩ giới thiệu hay quảng bá về một sản phẩm nào đó.

Như vậy, trách nghiệm của nghệ sĩ ở hai trường hợp này khác nhau. Khi tham gia quảng cáo với tư cách diễn viên làm theo kịch bản, nghệ sĩ không phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hậu quả xảy ra. Còn với trường hợp nghệ sĩ giới thiệu sản phẩm trên tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, cá nhân nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với hành vi quảng cáo của mình. Nếu quảng cáo sai sự thật, họ sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Mà hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội 'Quảng cáo gian dối', với mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… sẽ bị xử phạt từ 60 - 80 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin. Mặt khác, tùy vào tính đặc thù của sản phẩm được quảng cáo mà sẽ áp dụng các điều khoản xử phạt khác nhau.

Tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội 'Quảng cáo gian dối', với mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Theo luật sư Hoàng Văn Doãn, công cụ pháp lý đã đầy đủ rồi, vấn đề còn lại là việc của cơ quan chức năng. Còn việc nghệ sĩ bất chấp danh tiếng, bởi lợi nhuận mà nhắm mắt quảng cáo sai sự thật về lâu dài, đây là hành vi khiến họ mất nhiều hơn là được.

“Việc quảng cáo sai sự thật vi phạm trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng. Trước hết, hành vi của nghệ sĩ đã phụ sự tin tưởng, tình cảm của công chúng dành cho họ.” – luật sư Hoàng Văn Doãn nói.

Ông cũng cho rằng, người tiêu dùng quá dễ dàng tin vào nội dung các quảng cáo này một cách đơn giản cũng là điều đáng trách.

Chia sẻ Facebook