Nghệ sĩ, biên đạo múa Lê Mai Anh: Hạnh phúc với múa trị liệu

Chia sẻ Facebook
28/05/2022 06:11:40

"Ấm áp", "yên tâm", "thoải mái", "được thương"... đó là những cảm xúc được các học viên chia sẻ sau hai giờ tham gia buổi học "Tâm nối" - khóa học ngắn dành cho các bạn bị căng thẳng tâm lý cùng nghệ sĩ - biên đạo múa Lê Mai Anh.

Với Lê Mai Anh, múa chính là đời - Ảnh: Facebook nhân vật


Chứng kiến các bạn từ e dè xa cách ban đầu đến những nụ cười nhẹ nhõm đầy tin cậy vào cuối buổi mới hiểu vì sao Mai Anh lại tâm huyết với các lớp movement therapy (trị liệu bằng phương pháp chuyển động/múa trị liệu) đến như vậy.

5 tuổi, Mai Anh bén duyên với múa khi xin mẹ cho tham gia lớp dancesport tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM, rồi được theo cô giáo "đi show" lúc còn bé xíu.

10 tuổi, Mai Anh thi đậu Trường Múa TP.HCM, lại năn nỉ bố mẹ để được tiếp tục học múa bất chấp gia cảnh khó khăn.

Ròng rã 7 năm học song song cả múa và văn hóa ở hai trường khác nhau, 18 tuổi, Mai Anh tốt nghiệp xuất sắc và trở thành giảng viên trẻ nhất của Trường Múa TP.HCM, rồi nhận học bổng 2 năm sang Pháp, tiếp tục 7 năm theo đuổi múa đương đại với các đoàn múa lớn ở châu Âu.

Năm 2011, quyết định cùng chồng trở lại Việt Nam, tình yêu múa bất tận lại dần nối kết Mai Anh với một hướng đi đặc biệt: movement therapy.

Hiện tại, Mai Anh tổ chức các khóa movement therapy ngắn hạn cho những bạn cần giảm căng thẳng, giải tỏa áp lực, rối loạn tâm lý và trầm cảm.

*Sau nhiều năm theo múa đương đại, cơ hội làm việc ở nước ngoài đang rộng mở, sao Mai Anh lại chọn về Việt Nam và sống khá kín tiếng suốt thời gian qua?

- Khi vợ chồng mình quyết định về Việt Nam, mọi người đều bất ngờ. Nhưng từ đầu, mình đã chọn đi du học là để mang những kiến thức mới về giảng dạy trong nước, vậy thì phải về thôi! Mình về và tiếp tục dạy múa đương đại ở Trường Múa TP.HCM rồi sinh con, vẫn tiếp tục bay đi về tham gia các vở diễn ở Pháp và Việt Nam. Trong thời gian đó, mình có duyên biết đến movement therapy và nhận ra đây chính là con đường của mình.

Với Mai Anh, múa chính là đời. Trong múa, Mai Anh được là chính mình, được kể câu chuyện đời mình thông qua chuyển động và âm nhạc, có lúc nhẹ nhàng cũng có khi sóng gió. Với múa, mình không còn quá quan trọng hình thức hoành tráng hay nội dung sâu xa mà chú trọng vào những cảm xúc từ tận trong tim, phải thể hiện nó ra sao? Mai Anh hạnh phúc khi được múa và sống với múa một cách đơn giản, chân thành nhất.

*Từ đâu mà Mai Anh bén duyên và rồi quyết định "yêu luôn" movement therapy?

- Năm 2017, Mai Anh có dịp kết hợp cùng Tricia Nguyễn thực hiện Wintercearig - một dự án dành cho những người trầm cảm và rối loạn tâm lý. Mình nhận ra có nhiều người đang gặp phải các vấn đề này, trong đó có cả Tricia, và múa là một liệu pháp hỗ trợ hiệu quả.

Sau buổi diễn, Tricia gợi ý Mai Anh tổ chức một workshop về movement therapy. Lúc đó, mình hơi lo vì không có chuyên môn về trị liệu. Mình chỉ học phương pháp giảng dạy và đi dạy bằng trải nghiệm mấy chục năm theo nghề. Nhưng khi xong workshop, mọi người chạy ra ôm mình, có bạn khóc và chia sẻ nhiều điều khiến mình nhận ra việc làm của mình thực sự có ý nghĩa với các bạn.

Thông qua workshop, Mai Anh gặp một bạn đang viết luận án tiến sĩ về nạn nhân chất độc da cam, rồi được kết nối cùng nhóm các bạn khuyết tật ở Hà Nội. Mình thương và muốn làm gì đó cho các bạn. Thế là mình tổ chức các khóa trị liệu bằng chuyển động, khuyến khích các bạn tham gia các buổi trình diễn múa [LỘ] 1, 2, 3...

Nhìn các bạn dù cơ thể mang nhiều khiếm khuyết nhưng dần học được cách chấp nhận chính mình, từ từ giải phóng bản thân và bộc bạch được tiếng nói tâm hồn thông qua chuyển động, Mai Anh vô cùng hạnh phúc và từ đó mình yêu luôn movement therapy.

*Mai Anh giúp các bạn tham gia khóa học giải tỏa tâm lý bằng chuyển động như thế nào?


- Áp lực cuộc sống hiện tại khiến nhiều bạn bị căng thẳng. Bên ngoài các bạn vui vẻ nhưng bên trong lại ẩn giấu những vấn đề tâm lý không biết chia sẻ cùng ai. Bằng kinh nghiệm tích lũy qua các dự án, mình thiết kế nhiều hoạt động giúp các bạn mở lòng và dám thể hiện bản thân. Ví dụ: cho các bạn nhắm mắt và chuyển động, hay trùm vải lên để các bạn yên tâm không ai thấy được mình, hướng dẫn chuyển động theo nhóm để các bạn kết nối với nhau... Nhờ đó, các bạn dần buông bỏ những rào cản tâm lý, thả lỏng bản thân để lắng nghe chính mình và tin tưởng bạn bè xung quanh.

Những bài tập của Mai Anh rất đơn giản, các bạn có thể tự tập ở nhà. Trong mùa dịch, khi mọi người không thể đến lớp, mình mở các buổi "Tâm nối" online. Các bạn tự bật nhạc trong phòng, tự mình chuyển động và "phiêu" theo âm nhạc vẫn giải tỏa được cảm xúc. Mai Anh nhận ra không có rào cản bên ngoài nào hạn chế được chúng ta. Hạn chế thực sự nằm ở chính suy nghĩ của mỗi người.

Mình hay chia sẻ cùng các bạn: "Hãy cho phép bản thân được làm điều mình muốn, hãy cho phép mình được hạnh phúc". Đơn giản vậy thôi, rồi các bạn sẽ tự chữa lành.


Trân trọng những điều giản đơn mà đẹp đẽ

Nghệ sĩ Lê Mai Anh (áo đen, giữa) hướng dẫn các học viên khởi động trong lớp “Tâm nối” - Ảnh: HUỲNH VY

* Từ bỏ công việc ổn định ở trường múa để theo đuổi một hướng đi mới như vậy, Mai Anh có gặp nhiều khó khăn? Điều gì giúp Mai Anh kiên trì với lựa chọn này?

- Khó khăn tất nhiên là có, nhưng mình tâm đắc vì đã dám theo đuổi con đường mới. Công việc này thu nhập không cao nhưng cho mình nhiều niềm vui. Có những khoảnh khắc bất chợt trong lớp lại khiến mình hạnh phúc đến rơi nước mắt. Mình từng dặn lòng kìm lại, làm cô giáo sao cứ mau nước mắt? Nhưng movement therapy là để mọi người được giãi bày cảm xúc chân thật nhất, nên mình cũng không ngại bộc bạch xúc động của mình. Mình trân trọng những điều giản đơn mà đẹp đẽ như thế.

Đã chọn múa nghĩa là không ngại khó. Với diễn viên múa, chấn thương hay chảy máu trên sàn tập là chuyện thường ngày. Càng khó mình càng phải nỗ lực. Những năm du học ở Pháp, Mai Anh còn gặp nhiều thách thức hơn. Mỗi ngày mình vừa học múa, vừa học tiếng Pháp vừa đi làm thêm nhiều việc cùng lúc để trang trải chi phí sinh hoạt. Mai Anh từng đi làm nail, làm phục vụ, đẩy xe bán kem, giữ trẻ cho những vị khách mà mình làm nail... Vừa mệt vừa thiếu thời gian nhưng mình không bỏ cuộc vì đây là con đường do chính mình lựa chọn, phải theo đuổi đến cùng. Vậy là mình tìm niềm vui trong lúc làm thêm, vừa làm vừa quan sát mọi người và lấy đó làm chất liệu cho múa.

Khi quyết định mở Moving Art Atelier, mình đắn đo nhiều. Nhà không mấy dư dả, lại vừa mới hết dịch, chỉ tiền thuê mặt bằng hằng tháng đã đủ khiến mình chật vật. Nhưng thấy mình mê quá, Hồng Yến bạn mình quyết định ủng hộ "để Mai Anh được thỏa đam mê". Người góp của, người góp công, vậy cứ làm thôi!

Biên đạo múa Vũ Ngọc Khải vừa thực hiện video hướng dẫn các động tác kéo giãn kết hợp hơi thở nhằm giúp tăng cường sức đề kháng và hạn chế các bệnh về cột sống do làm việc kéo dài với máy tính.

Chia sẻ Facebook