Nghe nhiều tiếng động lớn trước khi núi lở vùi lấp đi mọi thứ
Từ nhà điều hành thủy điện Kà Tinh 1 (xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi), một số nhân viên nghe nhiều tiếng động lớn xen lẫn tiếng mưa xối xả. Sau đó, cả một triền núi sạt xuống vùi lấp đi mọi thứ. Kỹ sư Nguyễn Văn Nam (27 tuổi, trú TP Quảng Ngãi) được xem là đang mất tích tại đây.
Bà Phạm Thị Kim Chi (mẹ ruột kỹ sư Nguyễn Văn Nam) kể về lần cuối gặp con trai mình
Đến 16 giờ ngày 11/10, tại khu vực tổ máy phát điện nhà máy thủy điện Kà Tinh 1, mưa vẫn rất nặng hạt. Sau gần một ngày nỗ lực sử dụng các phương tiện cơ giới khơi thông đất đá, lực lượng chức năng đã tiếp cận được vị trí sạt lở núi và đang khẩn trương tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Ông Đặng Vỹ Thuyên - Giám đốc Công ty CP thủy điện Trà Bồng - cho biết, đêm 10/10, đơn vị tiến hành kiểm tra khu vực máy phát của thủy điện Kà Tinh 1. Nhóm 3 người đến nhà chứa máy phát điện chia nhau mỗi người một việc. Ca trực gồm có kỹ sư Nguyễn Văn Nam (27 tuổi, trú TP Quảng Ngãi) đi kiểm tra lần cuối an toàn tại trạm điều hành điện của nhà máy rồi rút về tránh lũ. Một bảo vệ và một kỹ sư đi hướng khác. Tại thời điểm xảy ra sự cố, chỉ còn kỹ sư Nam bên trong.
“Đến khoảng 18 giờ 30 phút ngày 10/10, vách núi đổ ập xuống tỉnh lộ 622B, đất đá chảy qua Trạm điều hành thủy điện. Sự việc diễn ra quá nhanh, chỉ trong vòng 5 phút, hàng nghìn khối đất đá lớn ập xuống cuốn phăng bờ tường bê tông rồi vùi lấp nhà chứa máy phát điện. Chúng tôi liên lạc với nhóm công nhân để kiểm tra thì chỉ nhận được phản hồi của 2 người. Còn kỹ sư Nam mất liên lạc hoàn toàn”, ông Thuyên kể.
Ông Đặng Minh Thảo, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi cho hay, chính quyền địa phương đã huy động tổng lực để tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy người mất tích. Chủ trương của huyện phải tập trung để sớm tìm được nạn nhân. Hiện trời đang mưa rất to, khu vực tìm kiếm dễ xảy ra sạt lở. Các lực lượng sẽ dừng tìm kiếm khi trời tối và tiếp tục triển khai tìm kiếm nạn nhân mất tích trong ngày mai để đảm bảo an toàn.
Theo ông Thuyên, thời điểm xảy ra sự cố, phần lớn công nhân đang ở khu nhà điều hành cách đó khoảng 300m. Lúc đó, có nhiều tiếng động lạ xen lẫn trong tiếng mưa xối xả. Chỉ vài phút sau cả triền núi ập xuống vùi lấp mọi thứ .
“Tiếng đá toác ra xen với tiếng mưa nghe rợn người. Sau đó, đất đá lở ầm ầm vùi lấp mọi thứ. Hệ thống điện, thông tin liên lạc bị cắt đứt, đường bị chia cắt. Tuyến ống dẫn hư hỏng nặng”, ông Thuyên nói thêm.
Tại hiện trường sạt lở, bà Phạm Thị Kim Chi (52 tuổi) và ông Nguyễn Thú (57 tuổi) là cha và mẹ của kỹ sư Nguyễn Văn Nam đứng thất thần nhìn vào trạm điều hành điện thủy điện Kà Tinh 1 bị vùi lấp với hàng nghìn tấn đất đá, cả khu vực tan hoang.
Đôi mắt đỏ ngầu, bà Phạm Thị Kim Chi cho biết, trưa hôm 10/10, anh Nam nói chiều đi trực nên ăn vội miếng cơm, đến khoảng 14 giờ cùng ngày thì dậy khoác áo đi lên lại thủy điện. Trước khi đi Nam còn nói con đi nha mẹ, rồi đi miết. Đến tối bà gọi cho con thì không được. “Đến tối tôi mở ti vi xem thì mới hay chỗ thủy điện con trai làm bị sạt lở, tôi liên lạc với nó mà không được nên gọi cho anh Thuyên giám đốc nhà máy thủy điện thì hay tin cũng không liên lạc được với con tôi”, bà Chi buồn bã kể.
“Suốt đêm qua tôi và chồng trằn trọc miết không ngủ được. Đến sáng nay khoảng 5 giờ tôi dậy gọi điện cho cháu Thuyên nhưng cháu Thuyên nói vẫn đang cố gắng tiếp cận chứ chưa vào được. Sốt ruột quá nên hai vợ chồng tôi quyết định lên trên này xem sao. Hi vọng là thằng Nam con tôi bình an vô sự…”, bà Chi bật khóc.
Trước đó, vào khoảng 18h20 tối 10/10 đã xảy ra vụ sạt lở tại thủy điện Kà Tinh 1, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Vụ việc xảy ra trong đêm tối đã vùi lấp một tổ máy bị lấp trong lớp đất núi nhão và một kỹ sư vận hành tổ máy không liên lạc được.
Thời điểm xảy ra sạt lở, công trường đang cúp điện, trời tối mịt nên việc tiếp cận hiện trường gặp khó khăn. Vụ sạt lở khiến tuyến Tỉnh lộ 622 đi các xã phía tây huyện Trà Bồng (Tây Trà cũ) bị chia cắt hoàn toàn.
Được biết, Thủy điện Kà Tinh có tổng mức đầu tư trên 437 tỷ đồng, do Công ty CP thủy điện Trà Bồng làm chủ đầu tư. Thủy điện này hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2020.