Nghệ nhân "răng sún" ở Hội An đổi đời nhờ bắt gốc tre… bật cười

Chia sẻ Facebook
28/11/2022 08:39:25

Qua đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân "răng sún", những gốc tre xù xì, vô tri phải… bật cười và trở thành món quà lưu niệm độc đáo, hút khách nhất phố Hội.


"Cha đẻ" của nghề tạc tượng gốc tre

Đỏ "tre" hay "nghệ nhân răng sún" là cách gọi trìu mến của người dân phố cổ Hội An (Quảng Nam) dành cho anh Huỳnh Phương Đỏ. Năm nay 50 tuổi, với "thâm niên" hơn 20 năm làm nghề điêu khắc, bằng đôi tay tài hoa, nghệ nhân này đã chế tác ra hàng nghìn tác phẩm độc đáo, hút mắt bao du khách đến phố cổ.

Nhớ lại thời gian bén duyên với gốc tre, anh Đỏ kể, vì sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề giáo nên từ nhỏ cha mẹ muốn anh sẽ trở thành giáo viên. Nhưng đam mê điêu khắc nên năm 16 tuổi, anh tìm đến nghệ nhân Hỳnh Sướng nổi tiếng khắp làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An) để học nghề.

Clip: Nghệ nhân răng sún ở Hội An làm giàu nhờ bắt gốc tre… bật cười. Thực hiện: Hà Nam

Nghệ nhân “đỏ tre” gây ấn tượng với du khách không chỉ bởi đôi tay tài hoa mà còn ở nụ cười thân thiện, hóm hỉnh khi lộ 2 chiếc răng sún.

Anh Đỏ sắm cho mình chiếc bàn chuyên dụng để tạo hình nhân vật với 1 giá bằng sắt cố định gốc tre, trên bàn có đủ dùi đục từ nhỏ đến lớn và "hành nghề" bên góc phố cạnh cầu An Hội.

Nghệ nhân răng sún làm giàu nhờ bắt gốc tre… bật cười

Theo anh Đỏ, khi tạo hình khuôn mặt, điểm khó nhất chính là đôi mắt cần phải có hồn, biểu cảm được cảm xúc như: hỉ, nộ, ái ố…

Sau khi tạo hình gương mặt, công đoạn tiếp theo là rửa qua nước, phơi khô và đánh giấy nhám để hoàn chỉnh.

Gặp sư phụ giỏi, cùng sự chăm chỉ, anh nhanh chóng trở thành một tay điêu khắc có tiếng thời bấy giờ. Rồi năm 19 tuổi, một trận bão lịch sử ập đến Quảng Nam, nước lụt dâng cao ngập gần đến nóc nhà. Trong lúc rảnh rỗi, thấy khóm tre trôi nổi lềnh bềnh giữa dòng lũ, anh Đỏ đã vớt lên và ngồi mày mò, đục đẽo cho đỡ "ngứa tay ngứa chân", ai dè thành tác phẩm độc đáo.

Làm được vài cái đầu tiên, anh mang ra phố cổ bán và bất ngờ rất nhiều khách tranh mua. Từ đó, anh bắt đầu dành thời gian nghiên cứu, chế tác thêm nhiều sản phẩm mới lạ từ gốc tre. Qua đôi bàn tay điêu luyện của "nghệ nhân răng sún", những nhân vật như Quan Công, Phúc - Lộc - Thọ, Thần tài, Bồ Đề Đạt Ma,… dần hiện lên rất mộc mạc và có hồn.

Những “gốc tre biết cười” do anh Đỏ chế tác rất được lòng du khách. Các bức tượng này thường là những nhân vật lịch sử, hoặc truyền thuyết ở Việt Nam và trên thế giới.

Dù mới chỉ tốt nghiệp lớp 9 trường làng, nhưng anh Đỏ thạo đến 2 ngoại ngữ Anh và Pháp.

Theo anh Đỏ, chạm khắc gốc tre khó hơn rất nhiều so với gỗ, ai không đam mê, kiên trì thì khó thành công. Bởi, bề mặt của tre gồ ghề với nhiều mắt, rễ và mỗi gốc một hình dáng khác nhau. Nếu người làm không tinh tường, khéo léo và có óc thẩm mĩ thì sẽ rất khó tận dụng hết đường nét tự nhiên và vẻ đẹp tiềm ẩn của các gốc tre.

Nghệ nhân này cho biết thêm, những ngày đầu bén duyên với nghề là giai đoạn khó khăn nhất với anh, vì tạo tác phẩm chưa được thần thái, râu của khuôn mặt lúc đó chưa chạm được cằm, hay một số chi tiết không tinh tế như hiện nay.

Để có vật liệu như ý, cứ mỗi khi rảnh thì anh Đỏ lại lặn lội khắp các vùng quê, thấy nơi nào có gốc tre bỏ đi thì xin hoặc mua với giá 15.000 đồng. Sau đó, anh mang về ngâm dưới bùn để cây tre được chắc, tránh bị mối mọt ăn. Nửa năm sau, anh đào lên rồi dùng máy xịt nước rửa sạch, phơi khô và lựa các gốc có thế đẹp để đưa vào chế tác.

Đang ngắm nghía một gốc tre, anh Đỏ bật cười khoái chí: “Ra rồi, gốc tre này có thể khắc được ông Phúc trong 3 ông Phúc, Lộc, Thọ”.

Tiếng lóc cóc bắt đầu từ những dùi đục lớn tạo hình sơ bộ khuôn mặt, cứ thế, dùi nhỏ, rồi dùi lớn được nghệ nhân luân chuyển liên hồi, khuôn mặt nhân vật dần hiện ra chỉ chưa đầy 30 phút.

"Việc điêu khắc gốc tre thì quan trọng nhất là phải tạo được cái hồn cho nó, có bố cục hài hòa, chi tiết. Không một gốc tre nào giống gốc tre nào cả, tất cả đều khác biệt từ gốc đến phần thân. Do đó, tôi phải đích thân đi 'săn', vì đây là nghề thủ công nên tôi nhìn qua mới biết được gốc tre như nào là phù hợp để đục đẽo", anh Đỏ cười móm mém, để lộ hàm răng sún nhưng khá duyên.


Đưa gốc tre Việt Nam "xuất ngoại"

Gần 30 năm kiên nhẫn với cái dùi, cái đục, những bức tượng bằng gốc tre của anh Đỏ ngày càng được du khách ưa thích. Đặc biệt, nhiều khách nước ngoài tỏ ra khá hào hứng với những tác phẩm nghệ thuật thú vị này và thường mua về tặng người thân. Cứ thế, các món quà lưu niệm mang đậm văn hóa Việt Nam đã theo chân du khách đi khắp thế giới.

Anh Đỏ tiết lộ, trung bình một ngày, mình có thể tạo dáng cho hơn 15 gốc tre loại thường, mỗi gốc có thể bán với giá từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng. Đối với nhiều gốc tre có thế lạ, nghệ nhân này phải mất ít nhất một buổi, thậm chí cả tuần để hoàn thành tác phẩm ưng ý và giá tất nhiên sẽ rất cao.

Anh Đỏ đã biến những gốc tre vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật có giá bạc triệu.

Theo anh Đỏ, tùy hình dạng của mỗi gốc tre, nghệ nhân phải có cách chế tác phù hợp, tận dụng triệt để những đường nét độc đáo, tự nhiên nhất.

Để thổi hồn vào sản phẩm, ngoài kiến thức lịch sử thì đòi hỏi phải có óc thẩm mỹ, đặt biệt là sự sáng tạo.

Chịu khó nghiên cứu và mạnh dạn thử nghiệm, anh Đỏ đã chế tác ra những sản phẩm độc nhất vô nhị, thể hiện thần thái của từng nhân vật.

Hiện, cửa hàng quà lưu niệm của anh Đỏ mỗi ngày đón hàng trăm lượt người đến tham quan, mua sắm. Không chỉ tiêu thụ tại phố cổ, anh còn sản xuất theo đơn đặt hàng từ nhiều điểm du lịch lớn khắp cả nước. Nhất là dịp Tết, đơn đặt hàng tới tấp, các gốc tre làm ra không đủ bán, anh Đỏ phải làm việc cật lực thâu đêm, nhưng vẫn "cháy hàng".

Anh Đỏ trải lòng, nhờ có gốc tre đã giúp gia đình mình đổi đời và nuôi 3 đứa con (2 gái, 1 trai) ăn học thành tài. Những năm gần đây, nhu cầu mua tượng gốc tre ngày càng nhiều nên vợ anh, chị Trần Thị Thu Vân (SN 1973) trước kia chỉ ở nhà nội trợ, nay cũng ra phố phụ chồng buôn bán.

Đặc biệt, không chỉ điêu khắc giỏi, anh Đỏ còn là một tay bán hàng nổi tiếng bởi lấy lòng "thượng đế". Dù chưa tốt nghiệp cấp 3 trường làng, cũng chưa một lần đến trung tâm ngoại ngữ, thế nhưng anh Đỏ lại nói được nhiều thứ tiếng một cách răm rắp.

Giờ đây, những “gốc tre biết cười” do anh Đỏ làm ra rất được lòng du khách khi đến Hội An.

Nhiều du khách nước ngoài rất thích thú với những tác phẩm nghệ thuật thú vị bằng gốc tre.

Ngoài những sản phẩm truyền thống, để thu hút du khách, anh còn chế tác thêm một số sản phẩm mới hoặc làm theo yêu cầu, chủ yếu là danh nhân nước ngoài.

"Tôi học 7 năm trước vì mong muốn được nói chuyện với người nước ngoài, Anh và Pháp là 2 thứ tiếng tôi nói trôi chảy nhất. Còn những tiếng như: Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc thì chỉ bập bẹ để giao dịch với khách", anh Đỏ cười tếu táo, để lộ hàm răng bị sún đã rụng gần hết.

Tâm nguyện muốn có thể xây dựng được một làng nghề tạc tượng gốc tre, anh Đỏ đã truyền dạy nghề lại cho 3 học trò. Nhiều địa phương khác trên cả nước cũng "bắt chước" làm sản phẩm nghệ thuật ăn khách này. Hiện, anh Đỏ cũng đã mở lớp học ngay tại phố cổ để hướng dẫn chi tiết cách hoàn thiện một tác phẩm bằng gốc tre cho những du khách trong nước và quốc tế có đam mê muốn khám phá và tìm hiểu về nghề.

Đắt khách, chị Vân (vợ anh Đỏ) trước kia chỉ ở nhà nội trợ, nay cũng ra phố phụ chồng buôn bán.

Huỳnh Phương Đỏ được coi là “cha đẻ” của nghệ thuật điêu khắc trên gốc tre, người tiên phong thổi hồn vào gốc của biểu tượng gắn liền với di sản văn hóa Việt.

Mỗi tác phẩm gốc trẻ được bán cho du khách giao động từ 200.000 đồng – 2.000.000 đồng. Ngoài ra, một vài tác phẩm tâm huyết của anh Đỏ có giá lên tới chục triệu đồng.

Tượng gốc tre độc đáo theo chân du khách đi khắp thế giới.

Với anh Đỏ, chứng kiến những "đứa con tinh thần" được khách hàng yêu thích, thị trường ghi nhận là niềm vui, hạnh phúc không gì sánh nổi. Về dự định tương lai, anh Đỏ trải lòng, sắp tới sẽ mở thêm cơ sở sản xuất và trưng bày, quảng bá sản phẩm tại Đà Nẵng. Không chỉ có vậy, anh còn ấp ủ ước mơ sẽ đưa những sản phẩm gốc tre nghệ thuật của mình "xuất ngoại".

Chia sẻ Facebook