Nghệ nhân chắp cánh cho thương hiệu đồng Đại Bái vươn xa
Làng nghề gò, đúc đồng Đại Bái cổ xưa có tên là làng Văn Lãng hay còn gọi là làng Bưởi, thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Làng nằm trên dải đất cao bên bờ sông Bái Giang. Từ xưa, làng đã nổi tiếng về nghề truyền thống đúc đồng, sản xuất ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo
Từ thuở xa xưa, xã Đại Bái thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh luôn được coi là làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất về kỹ nghệ đúc đồng, sản xuất ra các sản phẩm về đồ đồng thủ công mỹ nghệ tinh xảo.
Ngày nay, Đại Bái vẫn được biết đến như một làng nghề truyền thống với sự phát triển mạnh mẽ, đem đến những đổi thay tích cực về kinh tế xã hội cho người dân nơi đây.
Trước kia, làng Đại Bái chỉ làm ra những sản phẩm sử dụng trong gia đình như xoong, chậu, mâm, nồi…Tuy nhiên, sau đó làng đã tổ chức sản xuất và tạo ra nhiều sản phẩm từ đồng được chế tạo tinh xảo và đẹp mắt, như những bức tranh nghệ thuật về đồng quê hoặc những bức tranh mã đáo nhiều thể loại tranh khác và các đồ thờ trong gia đình như đỉnh, hoành phi câu đối, trống đồng,… là những sản phẩm được thị trường rất ưa chuộng.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, sự biến động của thị trường, người dân làng đúc đồng Đại Bái (Gia Bình) vẫn kiên trì gìn giữ nghề truyền thống, đồng thời, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất đồ đồng thủ công đã không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm. Giờ đây, những sản phẩm đồng không dừng lại ở việc trau chuốt, trơn nhẵn, mà người ta còn khảm, cẩn các chi tiết hoa văn cầu kỳ, tinh xảo trang trí lên bề mặt các sản phẩm cho thêm phần sinh động, đẹp mắt... Cùng với đó, việc mở rộng thị trường cũng được quan tâm, các sản phẩm của Đại Bái không còn bó hẹp quanh làng nghề mà đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến thông qua các cửa hàng đại diện, website quảng bá sản phẩm của làng nghề
Trao đổi với phóng viên, Ông Nguyễn Văn Đông, một nghệ nhân ở xã Đại Bái cho biết: Sinh ra và lớn lên trên quê hương Đại Bái, ngay từ ngày còn nhỏ, anh Đông được bố mẹ dạy đúc đồng và trở thành người thợ giỏi của làng nghề. Năm 2013, anh thành lập cơ sở đồng Đông Huyền chuyên sản xuất, kinh doanh đồ đồng mỹ nghệ. Năm 2018 anh được phong tặng Danh hiệu Nghệ Nhân Làng nghề Việt Nam. Với mong muốn giữ nghề và có trọng trách truyền nghề ông cha để lại cho các thế hệ sau mà còn phải biết phát huy mạnh mẽ lợi thế của làng nghề, tạo sự khác biệt trong từng sản phẩm. Từ suy nghĩ này cộng với kỹ thuật, công nghệ nấu đồng, pha chế hợp kim, tạo khuôn đúc với sự hỗ trợ của của máy móc kỹ thuật hiện đại, nghệ nhân còn ngày đêm sáng tạo những sản phẩm độc đáo chắp cánh cho thương hiệu đồng Đại Bái vươn xa.
Với mong muốn phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm làng nghề đến với đông đảo người dân trong và ngoài nước, nghệ nhân thủ công mỹ nghệ Nguyễn Văn Đông, thôn Đại Bái không chỉ nỗ lực sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng, mẫu mã hấp dẫn mà còn tích cực tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tạo nên thương hiệu riêng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Ngoài sản xuất theo phương thức truyền thống, anh mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng bảo đảm, giá thành phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường như bộ đồ thờ cúng bằng đồng, tranh trống đồng Đông Sơn, tranh đồng, tượng đồng, đồ đồng phong thủy… Trong số đó, có 2 sản phẩm là bộ đồ thờ đồng ngũ sắc và tranh trống đồng Đông Sơn đã được cấp Giấy Chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh năm 2021. Đặc biệt, vừa qua sản phẩm tranh trống đồng Đông Sơn tiếp tục được cấp Giấy Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh năm 2022.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đông chia sẻ: “Đây là 2 sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu trong số những sản phẩm tại làng nghề Đại Bái. Để có sản phẩm đạt chất lượng tốt, ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu, tôi đã phải chọn đồng hợp kim gồm đồng đỏ, đồng vàng, thiếc theo tỷ lệ nhất định để khi đúc bảo đảm màu sắc, chất lượng sản phẩm. Khác với những sản phẩm đồ đồng khác, mỗi sản phẩm chạm ngũ sắc cần cầu kỳ và độ chính xác cao, nét độc đáo nhất là được khảm các chi tiết hoa văn cầu kỳ, tinh xảo bằng những miếng vàng, bạc, đồng đỏ, đồng xanh, đồng đen lên bề mặt cho thêm phần sinh động, đẹp mắt, vừa mang tính trang nghiêm. Hiện nay, sản phẩm này được đánh giá là sản phẩm cao cấp nhất trên thị trường, mang lại giá trị tâm linh, sự may mắn, hạnh phúc và ý nghĩa trong mỗi gia đình, dòng tộc”.
Ngoài bộ đồ thờ đồng ngũ sắc, cơ sở của nghệ nhân Nguyễn Văn Đông còn nổi tiếng với sản phẩm mặt trống đồng Đông Sơn. Anh Đông cho biết đây là sản phẩm anh rất tâm đắc vì nó lưu dấu nét cổ truyền của dân tộc. Mặt trống đồng được sử dụng làm vật phẩm phong thủy treo phòng khách, phòng làm việc hay phòng họp… Đây cũng trở thành món quà tặng độc đáo và đầy ý nghĩa trong những dịp đặc biệt của người Kinh Bắc nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Nguyên liệu làm mặt trống được làm từ đồng vàng, sau khi dát mỏng thành miếng, những người thợ sẽ chạm khắc hình bản đồ Việt Nam, các họa tiết theo hình mặt trống đồng Đông Sơn truyền thống như chim hạc, con thú, hình người lao động sản xuất… Các chi tiết trên mặt trống được chạm vô cùng tỉ mỉ và sắc nét. Công đoạn này đòi hỏi tính kỹ thuật, mỹ nghệ cao, người thợ phải khéo léo để không để lại vết trên bề mặt, thậm chí chỉ một lỗi nhỏ sẽ làm hỏng cả sản phẩm.
Với khát vọng, hoài bão của người dân làng nghề, nội lực từ chính đôi bàn tay khéo léo, đức tính cần cù, sáng tạo của nghệ nhân Nguyễn Văn Đông và những người thợ đúc đồng nơi đây đã và đang góp phần tạo dựng cho nghề truyền thống của quê hương Đại Bái ngày càng khởi sắc, vươn xa
Để bảo tồn, phát triển nghề đúc đồng Đại Bái, địa phương cần tiếp tục khuyến khích các cơ sở sản xuất làng nghề cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa nhiều sản phẩm có giá trị tham gia vào chương trình OCOP, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở xây dựng và phát triển thương hiệu, từ đó, từng bước xuất khẩu ra thị trường thế giới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quê hương ./.
Hà Anh