Nghề làm đèn lồng phố cổ Hội An
Hội An đã chứng kiến sự qua lại thân thiết và gắn bó giữa các thương gia từ nhiều nước khác nhau. Và đèn lồng Hội An cũng bắt nguồn...
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Hội An, con phố cổ lấp lánh bên hạ lưu sông Thu Bồn, nổi tiếng với những kiến trúc cổ đã nhuốm màu thời gian mang đậm dấu ấn phương Đông, được người Trung Quốc và Nhật Bản mang đến từ những thế kỷ trước. Hội An, nơi xưa kia từng là thương cảng lớn tầm cỡ thế giới, đã chứng kiến sự qua lại thân thiết và gắn bó giữa các thương gia từ nhiều nước khác nhau. Và đèn lồng Hội An cũng bắt nguồn từ mối giao tình đó…
Nằm bên trong những con phố cổ, một nghề thủ công vẫn còn lưu lại, minh chứng cho dấu tích thời gian chưa từng bị lãng quên, đó là nghề làm đèn lồng.
Nói đến đèn lồng, thì điều đầu tiên phải kể tới là những chiếc nan tre. Tre làm đèn lồng là loại tre già còn tươi, sẵn có trong các vùng quê Việt. Để đảm bảo độ bền và tránh mối, người ta phải nấu tre và ngâm nước muối trong 10 ngày rồi đem phơi khô, vót thành các loại nan, độ dày mỏng, kích thước thì phụ thuộc vào từng loại đèn.
Nan tre sau đó được gắn vào hai vòng gỗ hoặc vòng sắt được thiết kế chuyên dụng, để định hình khung theo hình dáng đèn. Thường thì khâu chọn nan sẽ ảnh hưởng tới hình dáng của chiếc đèn, vì nan xử lý càng tốt thì người thợ càng có thể uốn nắn được mềm, tạo ra đúng hình dáng mong muốn mà nan tre không bị gãy. Sau đó, người thợ sẽ khéo léo kết nối các nan với nhau bằng dây dù, tạo ra các xương đèn.
Tiếp đến là khâu dán vải vào lồng đèn. Những mảnh vải được cắt tỉa thành nhiều phần, nhiều hình dạng khác nhau, sau đó được dán vào khung đèn bằng keo rồi cắt bỏ những phần thừa. Vải dùng làm đèn lồng thường là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, loại vải và màu sắc vải sẽ quyết định độ sáng của chiếc đèn. Người Hội An thường dùng vải lụa tơ tằm nhiều hơn vì ánh sáng từ những lồng đèn lụa sẽ huyền ảo và sống động hơn cả.
Rồi thi thoảng, người thợ còn tạo nên những tác phẩm hội họa trên chiếc đèn lồng. Những nét vẽ trên lồng đèn có thể chỉ là những họa tiết trang trí đơn sơ, lại cũng có thể là một khung cảnh nhỏ quen thuộc về làng quê Việt. Vẽ tranh trên đèn lồng là cả một quá trình tỉ mỉ và đòi hỏi sự cẩn thận cao, việc pha màu và tỉ lệ pha cũng quyết định độ đẹp mắt và sự hài lòng đối với những đứa con tinh thần của người thợ – người nghệ nhân. Mặc dù hội họa trên chiếc đèn lồng không có gì mới mẻ, nhưng để tạo được một chiếc đèn có giá trị nghệ thuật và đi vào tâm thức người xem, cũng đòi hỏi sự lao động bền bỉ và tâm huyết đối với nghề.
Được du nhập vào Hội An, rồi trải qua nhiều thăng trầm biến cố của lịch sử, chiếc đèn lồng nơi đây giờ đã mang trong mình những giá trị thẩm mỹ và tạo hình rất Việt Nam, rất gần gũi với văn hóa người Việt. Người thợ thủ công cũng tạo nên nhiều loại lồng đèn với hình dáng khác nhau như hình tròn, hình bát giác, hình củ tỏi, hình bánh ú hay hoa sen… Nhưng dù có sự đa dạng và phong phú hơn, những nét truyền thống của đèn lồng về cơ bản vẫn được bảo tồn theo năm tháng.
Màn đêm buông xuống, và người nghệ nhân lại xuống phố ngắm nhìn cái trầm mặc của phố cổ Hội An, tô điểm trong những chiếc đèn lồng đầy màu sắc. Đèn lồng đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của người dân nơi đây. Ánh sáng từ những chiếc đèn mờ ảo càng khiến nét kiến trúc cổ Hội An khoác thêm lên một lớp áo huyền bí. Trong thinh không tĩnh lặng, đèn lồng đã trở thành một phần không thể thiếu của linh hồn phố cổ nơi đây…
Lê Nguyên tổng hợp
Nghề cổ Đất Việt: Quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ
Mời xem video “Mục đích cao nhất của giáo dục là gì?” :