Nghề lạ ở Việt Nam: Nuôi loài lạ trông đáng sợ, cho ăn trái cây rẻ tiền, bán 300.000 đồng/kg thu hàng trăm triệu đồng

Chia sẻ Facebook
25/08/2022 06:29:37

Vài năm trở lại đây, nuôi rắn mối được xem là một xu hướng làm giàu của nhiều hộ nông dân nhờ mang lại giá trị lợi nhuận kinh tế cao.

HÀ ANH Ngày 25/08/2022 06:30 AM (GMT+7)

Đặc sản 4 phương

Rắn mối là loài bò sát, phân bố nhiều ở các nước nhiệt đới như Việt Nam, Lào, Campuchia... Chúng có đầu hình tam giác, có 4 chân, mỗi chân có 5 ngón, có vảy trên mình, vảy phía trên màu nâu và phía dưới màu trắng ngả vàng. Hai bên hông có hai sọc đỏ như lửa chạy dọc xuống tới hai chân sau. Loài động vật này rất lành, không cắn người và cũng không có độc. Thậm chí chúng còn là loài bò sát rất nhát người, thường thích lẩn trốn và kiếm ăn vào ban đêm.

Nhiều năm trở lại đây, thịt rắn mối trở thành món nhậu mới vô cùng độc đáo tại các nhà hàng tại Sài Gòn, Cần Thơ… được nhiều người yêu thích bởi mùi vị thơm ngon, giá thành hợp lý. Thịt của rắn mối được sử dụng để chế biến nhiều món ăn thơm ngon bổ dưỡng như rắn mối chiên, rắn mối sốt đậu, rắn mối đút lò… Ngoài là món nhậu, đây còn là thực phẩm hỗ trợ rất tốt để hỗ trợ điều trị các loại bệnh như: Đau lưng, nhức mỏi, hen suyễn, tê bì chân tay, người suy dinh dưỡng…

Rắn mối nhìn đáng sợ nhưng là đặc sản lạ rất được ưa chuộng


Chính vì vậy mà nhiều nông dân đã khởi xướng với mô hình nuôi rắn mối vốn rất lạ lùng hiếm có. Loài bò sát vốn thích sống hoang dã này không ai nghĩ sẽ tìm được cách để nuôi chúng. Thế nhưng tại khóm 10, phường 1, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu), anh nông dân Nguyễn Văn Thuyết (35 tuổi) đã thử nghiệm thành công nuôi rắn mối bằng mô hình trang trại. Hiện tại, anh đang là chủ khu vườn có diện tích hơn 100m 2 chỉ chứa gạch ống để nuôi 15.000 con rắn mối.

Ngoài nơi nuôi rắn mối ở TP Bạc Liêu, anh Thuyết còn có 5 trại rắn mối ở thị trấn Giá Rai (Giá Rai, Bạc Liêu) mỗi năm thu về trên 700 triệu đồng. Mô hình nuôi rắn mối của anh Thuyết khá đơn giản, anh xây gạch xung quanh chuồng, cao từ 0.8-1 m. Chuồng nuôi rắn mối có diện tích 2m x 5m hoặc 3m x 10m. Mỗi mét vuông có thể thả nuôi khoảng vài chục con rắn mối sinh sản.

Do rắn mối ưa nắng nên ngoài xây chuồng, anh Thuyết còn đầu tư hệ thống đèn dây tóc để sưởi ấm vừa dẫn dụ côn trùng làm thức ăn cho chúng. Thức ăn cho rắn mối rất dễ tìm, bao gồm các loại côn trùng như mối, dế, gián, cào cào, sâu hoặc có thể cho ăn ếch, nhái con, cá băm nhỏ...

Thức ăn cho rắn mối khá đơn giản, là các loại côn trùng như mối, dế, gián, cào cào, sâu hoặc có thể cho ăn ếch, hoặc trái cây rẻ tiền

Chủ nhân cho biết, một con rắn mối giống anh xuất ra thị trường có giá 15.000 đồng, trong khi vốn đầu tư ban đầu chỉ 4.000 đồng. Mỗi năm rắn mối đẻ hai lứa, lứa đầu thường chỉ 10 con, lứa thứ 2 rắn mối đẻ khoảng 14-15 con, và thời gian nuôi rắn mối thương phẩm từ 4-5 tháng. Ngoài ra, anh còn bán rắn mối thương phẩm để lấy thịt, có giá 300.000 đồng/kg (từ 18 - 30 con).

Người mua rắn mối của anh chủ yếu là các chủ quán nhậu trong Sài Gòn, Cần Thơ, có cả khu du lịch sinh thái mua để chế biến thành các món đặc sản cho khách. Một ông chủ khu sinh thái ở Bạc Liêu cho biết ông đặt mua rắn mối mỗi ngày khoảng 40kg để chế biến thức ăn cho khách. Nhà hàng TP HCM và khu du lịch của ông ở Bác Liêu có thể chế biến thịt rắn mối thành các món ngon như nướng muối ớt, cháo rắn mối… rất được lòng thực khách gần xa.

Mô hình chuồng trại nuôi rắn mối của anh Thuyết.

Cũng khởi nghiệp từ mô hình nuôi rắn mối, chị Trần Kiều Hoa (Bến Tre) nổi tiếng với biệt danh Hoa “rắn mối” được người dân trong khu vực đặt gọi. Từ bỏ nghề buôn bán khó khăn chật vật, chị Hoa từng mua các loại rau màu, cây chuối về trồng trên diện tích đất của gia đình, nhưng rất bấp bênh không đủ tiền chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày.

Chị Hoa cho biết: “Cuối năm 2010, con trai tôi đang làm việc tại TP.HCM- đưa tôi tới nhà một người bạn ở Bạc Liêu, gần đó có trang trại nuôi rắn mối. Sau khi được “mục sở thị”, hai mẹ con trở về và quyết định đầu tư”.

Mô hình nuôi rắn mối của chị Hoa tương tự như của anh Thuyết, nhưng quy mô nhỏ hơn chỉ tầm 1000 con rắn/ đợt. Ngoài ra, thay vì tập trung vào rắn mối sinh sản thì chị Hoa chú trọng chăn nuôi rắn mối thương phẩm - tức “vỗ béo” đàn rắn mối. Thời gian đầu nuôi loài bò sát này, gia đình chị Hoa không khỏi băn khoăn về cách thức cho ăn uống, vệ sinh chuồng trại cũng như tạo độ ẩm và sinh đẻ của rắn mối.

Chị Hoa trong trang trại của mình.

“Nuôi rắn mối, để có lợi nhuận cao điều quan trọng nhất là có được một nguồn thức ăn hiệu quả mà tốn ít chi phí. Thức ăn chính của rắn mối chủ yếu là các loại bò sát, đặc biệt là con mối. Ngoài ra các con côn trùng nhỏ như giun đất, sâu gạo, cá nhỏ, tôm, tép, châu chấu, gián… cũng là thức ăn mà rắn mối khoái khẩu. Ngoài những loại thức ăn trên, những loại trái cây có vị ngọt như chuối xiêm, chuối sứ, xoài, khóm (thơm), dưa hấu”, chị Hoa chia sẻ.

Chị Hoa cho biết thêm: “Hàng ngày có khách hàng đến mua rắn mối thương phẩm, chủ yếu là nhà hàng trên địa bàn hay thương lái đổ mối tại các thành phố lớn. Nhiều lúc không đáp ứng nhu cầu mua của bạn hàng phải chờ đến hai hoặc ba ngày sau. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng trong thời gian tới tôi dự định đầu tư, mở rộng chuồng trại và nuôi số lượng rắn mối nhiều hơn”.

Nhờ có nghề nuôi rắn mối, gia đình chị Hoa thoát khỏi cảnh nghèo khó. Năm 2021, gia đình chị mở thêm chi nhánh ở Ninh Thuận, giao cho con trai lớn là kỹ sư nuôi trồng thủy sản quản lý. Nhờ chăm chỉ làm ăn lại biết tính toán, có chuyên môn nên cả hai trang trại đều làm ăn luôn có lãi. Không chỉ trả được hết nợ mua đất mà chị Hoa còn mua được xe ô tô để đi lại giao dịch, con cái được học hành đàng hoàng.


Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nghe-la-o-viet-nam-nuoi-loai-la-trong-dang-so-cho-... Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nghe-la-o-viet-nam-nuoi-loai-la-trong-dang-so-cho-an-trai-cay-re-tien-ban-300000-dongkg-thu-hang-tram-trieu-dong-a574458.html

5 ngành nghề KHÔNG CẦN bằng đại học nhưng thu nhập cao ở Việt Nam, tiêu chí tuyển dụng khắt khe Đây là 5 công việc không yêu cầu bằng cấp, không cần bạn phải có bằng đại học mới có thể ứng tuyển nhưng mức lương lại rất cao. Bấm xem >>
Giáo dục

Theo HÀ ANH (Người đưa tin)

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương

Chia sẻ Facebook