Nghề gánh hàng ở núi Thái Sơn: Mang vật nặng trên vai leo từng bậc thang lên đỉnh, có cáp treo nhưng không thể dùng
Sơn phu gánh hàng là một nghề và đã trở thành nét văn hóa độc đáo của khu vực Thái Sơn.
Mức sống của người dân Trung Quốc đang được nâng cao từng ngày, ngành du lịch nhờ đó phát triển không ngừng. Khi có một kỳ nghỉ dài ngày, nhiều người chọn đi du lịch cùng gia đình, bạn bè, đặc biệt là đến những danh lam thắng cảnh núi non nổi tiếng, vừa tham quan vừa có thể rèn luyện sức khỏe.
Là một địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước Trung Quốc, núi Thái Sơn nằm ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông, chắc chắn là lựa chọn hàng đầu cho những ai thích thử thách khám phá và hòa mình cùng thiên nhiên.
Ở núi Thái Sơn cao chót vót, cáp treo đã được xây dựng để thuận tiện cho việc lên xuống núi. Du khách vẫn có thể tự đi bộ lên đỉnh núi hoặc có thể trực tiếp chọn đi cáp treo để tiết kiệm thời gian và sức lực.
Tuy nhiên, khi đến Thái Sơn, bạn sẽ phát hiện một hiện tượng vô cùng khó hiểu: Đó chính là rất nhiều người gánh hàng hóa leo từng bậc thang lên núi.
Thế nhưng tại sao họ không vận chuyển hàng bằng cáp treo mà phải dùng sức người cực khổ như vậy?
1. Cáp treo chở người, không chở hàng
Tọa lạc ở vị trí trung tâm trong "Ngũ nhạc" (5 ngọn núi lớn nhất Trung Quốc), núi Thái Sơn (Sơn Đông) vô cùng nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách đến đây thăm thú, ngắm cảnh, đặc biệt là bộ phận người đam mê leo núi.
Song, du khách đông đúc gây ra áp lực rất lớn cho việc hoạt động cáp treo. Nếu sử dụng cáp treo để vận chuyển hàng hóa thì việc phục vụ du khách sẽ bị hạn chế, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh sinh lời của thắng cảnh.
Hơn nữa, cáp treo ở Thái Sơn vốn được thiết kế để chở người chứ không phải chở hàng. Do đó, dùng cáp treo vận chuyển hàng hóa không phải là sự lựa chọn đúng đắn, mà ngược lại đầy rẫy rủi ro.
2. Bảo vệ truyền thống văn hóa
Đối với người dân nơi đây, Thái Sơn không chỉ mang đến cho họ tài nguyên thiên nhiên, mà còn chứa đựng giá trị nhân văn to lớn. Sơn phu gánh hàng chính là một nét văn hóa độc đáo gắn liền với lịch sử lâu dài của Thái Sơn hùng vĩ.
Những sơn phu gánh hàng thường xuất thân từ gia đình nghèo khó, trình độ học vấn thấp. Họ chỉ có thể dựa vào sức lao động thể lực để mưu sinh. Du lịch càng phát triển, nhu cầu hàng hóa càng nhiều. Điều này đã tạo công ăn việc làm cho không ít người dân sống trong khu vực Thái Sơn.
Những người làm nghề này thường phải gánh hàng từ dưới chân núi, sau đó leo từng bậc thang lên cao đến địa điểm được yêu cầu. Đương nhiên, địa điểm càng cao, quãng đường đi càng dài thì tiền lương cũng cao hơn.
Đối với người bình thường, leo núi Thái Sơn đã là một điều khó khăn chứ đừng nói đến việc mang vác vật nặng.
Đồng thời, sự xuất hiện của những sơn phu gánh hàng mang ý nghĩa tinh thần to lớn. Đó là làm việc chăm chỉ, không ngại gian khổ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, du khách luôn thấy những người gánh hàng leo bậc từng bậc thang lên núi, bước chân vững chắc hơn bất kỳ ai. Nếu không có sự chăm chỉ và cống hiến của họ, du khách sẽ không có trải nghiệm du lịch tốt như vậy!
Khi ở trên đỉnh Thái Sơn, những chai nước, túi đồ ăn vặt, trái cây ngọt mà bạn thưởng thức sau quãng đường leo núi mệt nhọc hoàn toàn nhờ vào công sức của sơn phu gánh hàng.
Hiện nay, nhiều du khách đến Thái Sơn chọn cách đi cáp treo để tiết kiệm thời gian và sức lực. Đây có lẽ còn tùy thuộc vào sở thích và quan niệm của mỗi người. Nhiều người cho rằng đến Thái Sơn thì phải leo núi.
Leo lên từng bậc thang cao, tuy mệt nhọc nhưng khi đặt chân lên đến đỉnh núi, bạn mới biết mọi công sức bỏ ra đều đáng giá. Nhìn ngắm bình minh và hoàng hôn phía chân trời, những giọt mồ hôi trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Nhờ vậy, trải nghiệm du lịch khám phá mới thú vị hơn.
Nguồn: Sohu