Nghệ An: Một xã có tới 2 ổ dịch với 70 người mắc sốt xuất huyết

Chia sẻ Facebook
05/08/2022 01:43:56

Công tác vệ sinh môi trường thực hiện chưa tốt, có nhiều dụng cụ chứa nước, chum vại,… là các nguyên nhân khiến dịch bùng phát.


Trung tâm y tế phun hóa chất xử lý ổ dịch tại xã Nghi Quang. Video TTYT Nghi Lộc.


Người dân chủ quan trước dịch sốt xuất huyết

Ngày 4/8, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An, từ đầu năm 2022 đến ngày 31/7, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 218 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Trong đó có 105 bệnh nhân ngoại lại, 113 bệnh nhân nội tại ở tại 7 địa phương, gồm: huyện Nghi Lộc (70 ca), huyện Diễn Châu (23 ca), huyện Anh Sơn (6 ca), huyện Quỳnh Lưu (5 ca), thị xã Hoàng Mai (4 ca), huyện Quỳ Hợp (3 ca), huyện Yên Thành (2 ca)… Đã có 100 bệnh nhân khỏi bệnh, hiện đang có 13 bệnh nhân đang điều trị, không có bệnh nhân tử vong.

Riêng tại huyện Nghi Lộc có 9 ca mắc sốt xuất huyết ngoại lai tại 8 xã (Nghi Thịnh, Nghi Kiều, Nghi Đồng, Nghi Phương, Nghi Long, Khánh Hợp, Nghi Yên, Nghi Thạch)…

Đặc biệt, tại xã Nghi Quang từ ngày 24/5 đến thời điểm này đã xuất hiện 2 ổ dịch sốt xuất huyết với 70 ca mắc nội tại. Trung bình mỗi ngày ghi nhận 1,02 ca mắc. Ca mắc mới gần nhất ở Nghi Quang là vào ngày 29/7.

Xã Nghi Quang là điểm nóng về dịch sốt xuất huyết ở Nghệ An.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, ngành y tế đã vào cuộc quyết liệt. Qua giám sát tại 2 ổ dịch xã Nghi Quang thì chỉ số véc tơ truyền bệnh giảm dần qua các lần giám sát; lần giám sát gần nhất không phát hiện muỗi truyền bệnh nhưng vẫn phát hiện được ổ bọ gậy.

Điều đáng nói, ý thức người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, chưa khai báo kịp thời khi triệu chứng nhẹ, thực hiện các biện pháp phòng bệnh chưa nghiêm; tập tục, lối sống của người dân, mật độ dân số tại ổ dịch cao, nhà ở sát nhà tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc dập dịch tại xã Nghi Quang chưa thể thực hiện triệt để.


Về việc này, bà Trần Thị Ánh Tuyết, Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết, nguyên nhân khách quan dẫn đến sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn là do thời tiết các tháng 5, 6, 7 nóng ấm, mưa nắng đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển; số ca mắc sốt xuất huyết tăng so với cùng kỳ năm trước.

Về chủ quan, Nghi Quang là xã ven biển, mật độ dân số cao. Các hộ gia đình ở sát nhau, nhiều nhà bỏ hoang. Công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn xã thực hiện chưa tốt; các bãi rác chưa được tập kết đúng chỗ quy định. Ở các hộ dân, có nhiều dụng cụ chứa nước, chum vại, nhiều đồ vật đọng nước.

Mặc dầu là xã có ổ dịch sốt xuất huyết cũ nhưng trong giai đoạn đầu xảy ra dịch, các ban, ngành ở xã chưa chủ động tích cực, quyết liệt trong phòng, chống sốt xuất huyết. Các chiến dịch làm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy chưa được duy trì thường xuyên, liên tục.


“Phòng chống dịch sốt xuất huyết, huyện Nghi Lộc đã chỉ đạo mặt trận tổ quốc và các đoàn thể huyện tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức; hướng dẫn cho người dân quy hoạch lại khu vực dân cư và cách dự trữ nước sinh hoạt ở hộ gia đình ; tuyên truyền người dân thường xuyên làm tổng vệ sinh môi trường khu dân cư, loại bỏ tối đa ổ bọ gậy; hướng dẫn người dân làm nắp đậy kín bể chứa nước, thường xuyên thau rửa bể, chum, vại”, bà Tuyết nói.

Ở các hộ dân, có nhiều dụng cụ chứa nước, chum vại, nhiều đồ vật đọng nước.

Huyện Nghi Lộc cũng đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh triển khai tập huấn công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cho ban chỉ đạo các xã, thị trấn và các cán bộ làm công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện; giám sát chỉ số véc tơ, giám sát bệnh nhân, môi trường tại xã Nghi Quang; phát hiện sớm ca bệnh, bao vây xử lý kịp thời; cấp hóa chất để xử lý ổ dịch; cử cán bộ hỗ trợ xã Nghi Quang; hướng dẫn chuyên môn trong công tác xử lý dịch.

Về phía xã Nghi Quang đã tăng cường công tác vệ sinh môi trường thường xuyên tại xóm Thành Vinh 1 và Thành Vinh 2 (2 xóm có ổ dịch); thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường trên toàn xã; truyền thông liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh sốt xuất huyết; triển khai phun hóa chất tại khu vực xảy ra dịch và các khu vực có nguy cơ cao…

Ý thức người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh.

Thay đổi ý thức, để người dân tham gia phòng chống dịch

Trước diễn biến phức tạp tại xã Nghi Quang, chiều 1/8, đoàn công tác sở Y tế làm việc với UBND huyện Nghi Lộc để bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Tại cuộc làm việc, ông Dương Đình Chỉnh, Phó Trưởng Ban Phòng, chống dịch bệnh tỉnh, Giám đốc sở Y tế Nghệ An cho rằng, trong công tác phòng chống dịch ở huyện vẫn có những kẽ hở nhất định khiến mầm bệnh vẫn tồn tại trong cộng đồng.

“Điều này là nguy cơ khiến dịch sốt xuất huyết sẽ lan rộng, bùng phát trong mùa mưa tới. Kẽ hở trong công tác phòng chống sốt xuất huyết đó là: Điều kiện sống, tập quán sinh hoạt của người dân khu vực ven biển; ý thức người dân chưa cao; sự chủ quan của một bộ phận cán bộ chức trách…”, ông Chỉnh nói.

Người dân ra quân dọn rác, vệ sinh môi trường toàn xã.

Vì vậy, trên cơ sở bài học chống dịch tại xã Nghi Quang, Trung tâm Y tế phối hợp cùng Phòng Y tế huyện Nghi Lộc tham mưu cho huyện Nghi Lộc xây dựng kịch bản phòng chống dịch sốt xuất huyết toàn huyện.

Trong đó, nêu rõ trách nhiệm của cơ quan y tế; trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị. Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc cần lên kịch bản điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại đơn vị và tại các trạm y tế.

Đoàn thanh niên liên tục tuyên truyền thay đổi ý thức người dân.

Phó Trưởng Ban Phòng, chống dịch bệnh tỉnh Nghệ An yêu cầu huyện Nghi Lộc cần tập trung tối đa công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho xã Nghi Quang, tránh dịch lan rộng; tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; rà soát, đánh giá các điểm, các nội dung chưa thực hiện được, thực hiện chưa đạt hiệu quả cao trong các hoạt động đã triển khai để khắc phục.


“Các xã, thị trấn cần thực hiện tốt công tác 4 tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ hoá chất, vật tư phòng, chống dịch; nêu cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, tuyên truyền, đặc biệt là phát huy hiệu quả của hệ thống truyền thanh cơ sở để qua đó làm thay đổi ý thức người dân, để người dân trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống sốt, xuất huyết; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm”, Giám đốc sở Y tế Nghệ An nói.

Chia sẻ Facebook