Nghệ An: Cam Vinh “trúng giá”, nhiều người dân chờ bán dịp Tết
Hiện nay, cam Vinh đang bước vào thu hoạch chính vụ, theo người trồng, cam Vinh năm nay bán được giá, dự kiến tăng hơn năm trước.
Sản lượng cam Vinh giảm, giá dự kiến tăng
Anh Nguyễn Đình Ân, chủ trại cam ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An có 2 ha cam Vinh kinh doanh. So với các năm trước thì năm nay, cam chín muộn hơn 10-15 ngày và năng suất dự kiến cũng giảm khoảng 5 tấn/ha, chỉ đạt khoảng 13 tấn/ha.
“Vụ cam năm nay do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nên tỷ lệ đậu quả thấp, khi quả cam gần đến kỳ thu hoạch lại gặp mưa lớn kéo dài nên quả rụng nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng cam”, anh Ân nói.
Cũng vì vậy mà giá cam có dấu hiệu tăng. Hiện, giá cam loại 1 của gia đình anh Ân đã được nhiều thương lái đặt mua với giá 40.000 đồng/kg. Trong khi đó, năm ngoái giá cam cao nhất tại vườn là 25.000 - 27.000 đồng/kg.
Chị Phan Thị Bình (50 tuổi), trú xã Đồng Thành, huyện Yên Thành cũng có khoảng 100 gốc cam Vinh. Vì vậy, thời điểm hiện nay có rất nhiều thương lái vào gia đình chị để hỏi mua.
“Hiện cam được thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 35.000-50.000 đồng/kg tuỳ loại. Năm nay sản lượng cam ít nên chắc chắn càng gần tết thì giá sẽ càng tăng, chứ không như năm ngoái”, chị Bình vui mừng cho biết.
Theo chị Bình, đầu năm, trời mưa nhiều nên tỷ lệ đậu quả của cây cam đạt thấp. Đến khi cam bắt đầu mọng nước thì lại mưa kéo dài nên quả rụng, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng cam. Mặc dù gia đình đã cố gắng chăm sóc nhưng vẫn giảm sản lượng so với vụ cam trước.
Cũng vì vậy, thời điểm này thương lái đã tích cực đến thu mua tại vườn. Ngoài ra, các vườn cam trên địa bàn xã Đồng Thành đã phát huy lợi thế thương mại điện tử để quảng bá, kết nối tiêu thụ cam. Nhờ đó, đầu ra được mở rộng, cam Vinh được thị trường đón nhận nhiều hơn.
Anh Nguyễn Văn Đức, thương lái chuyên thua mua cam Vinh cho biết, mỗi ngày anh thu mua 2-3 tấn cam Vinh trên địa bàn huyện Yên Thành và nhập cho các cửa hàng trên địa bàn Tp. Vinh.
Một số diện tích cam chín muộn vào dịp Tết, anh Đức đã cố gắng đến đặt cọc trước, nhưng nhiều nhà vườn không nhận cọc vì chắc chắn giá cam sẽ còn tăng cao, có khi sẽ tăng vọt vào dịp Tết.
“Năm nay diện tích cam Vinh giảm, sản lượng cũng giảm do thời tiết không thuận lợi. Cam Vinh khan hiếm hơn mọi năm, do đó càng giáp tết giá sẽ càng tăng”, anh Đức nói.
Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Thành cho biết, toàn xã hiện có hơn 130 hecta cam Vinh, chủ yếu là giống cam Xã Đoài lòng vàng, vân du. Trong số này, có gần một nửa diện tích cam được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Cây cam giúp người dân có thu nhập ổn định, dần trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.
“Tuy không được mùa như mọi năm do thời tiết, song năm nay lại được giá nên cũng bù lại cho nông dân. Năm nay toàn xã ước tính đạt 1.400 tấn cam, và dự kiến giá cam sẽ tiếp tục tăng”, ông Tuấn nói.
Nhiều chủ vườn cam “thắng đậm”
Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An cho biết, cam Vinh là một trong những sản phẩm nông nghiệp được tỉnh Nghệ An xác định là chủ lực của tỉnh.
Có thời điểm diện tích cam Vinh tăng lên gần 5.000 ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Quỳ Hợp, sau đó phát triển rộng ra các huyện khác: Yên Thành, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn... sản lượng cam ước đạt 65.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, năm 2022, sản lượng cam Vinh sụt giảm, nhiều diện tích cam ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ... bị thoái hóa, người dân chuyển sang trồng cây khác, khiến diện tích cam Vinh hiện nay giảm xuống còn gần 3.000 ha.
Theo ông Đức, cam Vinh mỗi năm chỉ có một mùa, tháng 10 bắt đầu cho thu hoạch, chính vụ vào tháng 11, tháng 12 và có thể kéo dài đến tháng 2 năm sau. Không như nhiều loại quả khác chỉ 3- 4 tháng là đã đơm hoa, kết quả, cam Vinh trải qua cả một năm trời hấp thụ cả cái nắng và gió Lào bỏng rát ở xứ Nghệ nên có vị thơm ngon ít loại quả nào sánh bằng.
Hiện 100% diện tích cam Vinh trồng tại Nghệ An đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, ký cam kết ATTP, được hỗ trợ chứng nhận vùng trồng, tem truy xuất nguồn gốc. Cơ bản sản phẩm cam Vinh tiêu thụ tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cũng vì vậy, cam Vinh có giá đắt hơn các loại cam bình thường khác trên thị trường.
“Năm nay thời tiết bất lợi, hầu như năng suất và sản lượng các vùng trồng cam Vinh trên địa bàn tỉnh giảm sút, trong khi chi phí đầu tư cho cây cam đều tăng. Song nhờ cam được giá nên nhiều chủ vườn cam vẫn thắng đậm”, ông Đức nói.