Ngày thứ 4 cứu nạn bé trai rơi xuống cọc bê tông: Tiếp tục phải đổi phương án

Chia sẻ Facebook
04/01/2023 07:38:32

Đến 23h45 ngày 3/1, các đơn vị cứu hộ, cứu nạn cho bé trai 10 tuổi bị rơi vào cọc bê tông chuyển sang phương án khoan xoáy nước áp lực lớn.

Đến 23h45 ngày 3/1, các đơn vị cứu hộ, cứu nạn cho nạn nhân 10 tuổi đang bị kẹt trong cọc bê tông tại công trình cầu Kênh Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) áp dụng phương pháp khoan xoáy nước áp lực lớn tạo độ tơi đất, kết hợp khoan guồng để đẩy nhanh tiến độ.

Vụ bé trai 10 tuổi: Không thể rút trụ bê tông như dự kiến; 23/35m đất trong lòng ống thép được làm sạch

Lực lượng cứu nạn tiến hành lắp đặt và vận hành dàn khoan áp lực cao bằng tia nước ngay vị trí cọc bê tông. (Ảnh: baodongthap.vn)

Theo tin từ báo địa phương, sau các cuộc hội ý với chuyên gia, lực lượng cứu nạn quyết định sử dụng khoan xoáy nước áp lực lớn tạo độ tơi đất, kết hợp khoan guồng xoắn. Khi khoan đạt đến độ sâu cần thiết, các đội cứu hộ, cứu nạn tiến hành tròng cáp vào các đoạn ống bê tông để nhổ cọc bê tông khỏi mặt đất, kết hợp thăm dò và cắt ống bê tông bằng thiết bị chuyên dụng của Quân khu 9.

Phương án trước đó là khoan guồng xoắn tiếp cận đáy trụ bê tông, dự tính khi khoan đến độ sâu 27m sẽ tiến hành tròng cáp vào 3 đoạn ống bê tông. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, đoạn còn lại gặp khó khăn do kết cấu đất cứng và chặt.

Dàn khoan áp lực cao bằng tia nước của Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Thuỷ Lợi 2 được yêu cầu đưa vào vận hành để tiến hành theo phương án mới.

Tối cùng ngày, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó tư lệnh Quân khu 9, cho hay đơn vị này đang đưa thêm 2 máy cắt trụ bê tông công suất lớn từ TP. Cần Thơ về để cắt ống cọc bê tông khi được nhấc lên. Dự kiến sau khi cọc được kéo lên, đội công binh Quân khu 9 chia ra hai nhóm cùng làm, chuẩn bị cưa cắt chuyên dụng để rút ngắn thời gian cứu bé trai.

Tính đến 7h30 sáng ngày 4/1, đã gần trọn 4 ngày kể từ khi bé trai Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) rơi xuống ống cọc bê tông khi vào nhặt phế liệu trong công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp), lúc 11h30 ngày 31/12.

Nhiều phương án đã được đưa ra để cứu cháu bé kể từ khi xảy ra tai nạn. Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay ban đầu, địa phương tính giải cứu cháu bé theo phương án thả dây chuyên dụng xuống. Nhưng do đường kính cọc bê tông quá nhỏ (25cm) nên không thể thực hiện được. Lực lượng cứu nạn liên tục bơm oxy, chuyền nước xuống dưới với hy vọng duy trì sự sống cho cháu bé.

Tiếp đến, lực lượng cứu nạn tiến hành phương án dùng máy khoan làm mềm đất ở khu vực xung quanh, rồi dùng cẩu kéo ống cọc bê tông lên. Nhưng thiết bị lúc này chỉ có thể huy động là máy khoan giếng, khiến tiến độ quá chậm.

Khi huy động được máy khoan chuyên dụng, tiến hành khoan đất, nhổ cọc, lực lượng cứu hộ đối diện với nguy cơ khác là dễ làm cho ống cọc bê tông bị gãy hoặc đứt mối nối.

Đến chiều 3/1, lực lượng tại hiện trường đã bàn tính thực hiện phương án được xem là tốt nhất và lần đầu tiên thực hiện là đóng xuống một lồng thép đường kính 1,6m, dài 19m bọc quanh ống cọc bê tông.

Lực lượng cứu nạn dùng khoan guồng xoắn làm tơi xốp bùn đất bên trong lồng thép, để bơm hút ra ngoài, làm giảm lực ma sát…. Theo tính toán của ban chỉ huy hiện trường khi khoan guồng xoắn đến độ sâu 27m sẽ tiến hành tròng cáp vào 3 đoạn ống bê tông, dùng thiết bị chuyên dụng kéo ống cọc bê tông lên theo hướng thẳng đứng. Sau đó tiến hành cưa, cắt từng đoạn.

Tuy nhiên, càng về sau, phương án này tiếp tục gặp khó khăn do kết cấu đất cứng và chặt như đã nói ở trên. Mặt khác, việc kéo ông cọc bê tông lên có khả năng làm gãy, đứt các mối nối giữa các đoạn.

Theo đó, từ đêm 3/1, phương án thay đổi, áp dụng cách khoan xoáy nước áp lực lớn (tạo độ tơi đất), kết hợp khoan guồng xoắn đến khi cách đáy trụ bê tông khoảng 3-4m sẽ kéo cột bê tông lên.

Trao đổi với báo chí tại hiện trường cứu nạn vào trưa 3/1, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thừa nhận do tình huống tai nạn rất hiếm gặp, hy hữu, nên việc triển khai các phương án có lúng túng, bất ngờ. Sau khi phương án tại chỗ không thực hiện được, tỉnh Đồng Tháp gửi văn bản đề nghị Quân khu 9, các bộ, ngành và các chuyên gia hỗ trợ.

Tính đến nay, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã huy động hàng trăm người tham gia cứu hộ xuyên đêm kể từ trưa 31/12 đến nay.


Minh Sơn

Chia sẻ Facebook