Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11: Báo động tình trạng trẻ hóa người mắc bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc ở độ tuổi từ 20 - dưới 30 tuổi, thậm chí đã ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi.
Theo thống kê, tại Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường , nguy hiểm hơn là tình trạng trẻ hoá người mắc bệnh dưới 30 tuổi ngày càng cao, đã có trường hợp 12-13 tuổi bị đái tháo đường mà gia đình không hay biết.
Nghiên cứu mới nhất của Bệnh viện Nội tiết Trung ương trên gần 3.000 trẻ em lứa tuổi từ 11-14 tuổi vừa qua trên toàn quốc cho thấy nguy cơ tiềm ẩn của bệnh đái tháo đường ở nhóm đối tượng này. Kết quả cho thấy có khoảng 6,2% mắc rối loạn glucose máu, trong đó độ tuổi trẻ nhất là 11 tuổi có tỷ lệ mắc cao lên tới 8,1%, trong khi ở nhóm tuổi lớn hơn thì kết quả rối loạn glucose máu thấp hơn.
Tại Đồng Nai, tổng số bệnh nhân được phát hiện đái tháo đường hiện tại là 75.263 người, trong đó số bệnh nhân đái tháo đường được quản lý 71.094 người, số bệnh nhân điều trị đạt đường máu mục tiêu 20.496 người.
Theo bác sĩ Ngô Đức Thịnh, Cán bộ phụ trách chương trình đái tháo đường - Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, bệnh đái tháo đường là bệnh lý mạn tính thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trong số các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam sau tim mạch và ung thư.
Bệnh đái tháo đường có những biến chứng ảnh hưởng đến toàn thân. Đái tháo đường là yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch; tai biến mạch máu não; tiểu đạm, suy thận; biến chứng về võng mạc gây mù mắt; gây tổn thương dây thần kinh ngoại biên làm tê tay chân, mất cảm giác, chóng mặt. Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường khi bị biến chứng về mạch máu, thần kinh sẽ dễ bị nhiễm trùng, ảnh hưởng đến xương và có khả năng phải cắt cụt chi. Do vậy, chẩn đoán và điều trị sớm là chìa khóa để giúp phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm đó.
Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể dự phòng được nếu như mọi người chú ý, quan tâm hơn nữa đến khẩu phần ăn, uống hàng ngày, thường xuyên hoạt động thể lực, giảm thiểu các hành vi có hại cho sức khỏe. Kiểm tra sức khoẻ định kỳ để có các điều chỉnh sinh hoạt và ăn uống hợp lý.
Việc phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống và tập luyện. Vì vậy, cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, trong đó chú ý nhiều rau quả và trái cây. Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều tinh bột. Tránh thực phẩm nội tạng động vật, thức uống nhiều đường (nước ngọt). Luyện tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày.
Cách nhận biết bệnh đái tháo đường tại nhà khi thực hiện xét nghiệm HbA1C, nếu kết quả kiểm tra HbA1C từ 6.5% trở lên nghĩa là bạn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, nếu trong khoảng từ 5,7 - 6,4% sẽ là tiền đái tháo đường.