Ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại năm 2022: Một sức khỏe, không tử vong
Bệnh dại là một bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Việc tiêm phòng cho chó là chiến lược tiết kiệm chi phí nhất để ngăn ngừa bệnh dại ở người.
Bệnh dại là một bệnh do virus, xảy ra ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn hoặc vết xước, thường là qua nước bọt. Một khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện, bệnh dại hầu như tử vong 100%. Có đến 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân truyền virus dại cho người.
Đây là bệnh gây ra hàng chục nghìn ca tử vong mỗi năm, chủ yếu ở châu Á và châu Phi. Theo thống kê, 40% số người bị động vật nghi mắc bệnh dại cắn là trẻ em dưới 15 tuổi. Điều quan trọng là sau khi tiếp xúc với động vật nghi mắc bệnh dại, nạn nhân cần ngay lập tức rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước để ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào hệ thần kinh trung ương. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của việc tiếp xúc với động vật nghi mắc bệnh dại, nạn nhân nên được tiêm vaccine phòng dại và sử dụng globulin miễn dịch (nếu được chỉ định) để dự phòng sau phơi nhiễm.
Ngày 28/9/2022 đánh dấu Ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại lần thứ 16, với chủ đề "Bệnh dại: Một sức khỏe, không tử vong" sẽ nêu bật mối liên hệ giữa môi trường với con người và động vật.
Một sức khỏe đòi hỏi sự tham gia và hợp tác của nhiều ngành bao gồm giáo dục cộng đồng, các chương trình nâng cao nhận thức và các chiến dịch tiêm chủng là rất quan trọng. Qua đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng với các tổ chức quốc tế khác hướng tới mục tiêu "Không có trường hợp tử vong nào ở người vì bệnh dại do chó lây truyền vào năm 2030". Bằng cách hợp tác và tham gia từ các lực lượng, ban hành cộng đồng và cam kết duy trì việc tiêm phòng cho chó, bệnh dại có thể được loại bỏ.