Ngày nói dối 1/4 - Mỗi ngày, hãy chọn một niềm vui
Lời nói dối và những trò đùa có thể là thứ vũ khí sát thương cho tâm hồn. Vì thế, hãy cẩn trọng trước khi chúng ta định làm điều đó!
Bài hát Nói dối được ra mắt từ tháng 5/2011. Ngoài việc liên tục góp mặt trong BXH những ca khúc thảm hoạ nhất mọi thời đại của làng nhạc Việt, thì với ca từ gần gũi, mộc mạc, bài hát truyền đi thông điệp rõ ràng, dễ hiểu rằng: "Nói dối làm trái tim đau".
Giống như nói dối, những lời nói đùa vô duyên cũng có sức tàn phá tâm hồn người khác không kém chút nào. Đôi khi nó biến người đang đùa trở thành "giỏ hoa quả", còn nạn nhân bị đùa thì lập tức muốn tham gia trò chơi nhập vai "Fruit Ninja". Tuần qua, đã có quá nhiều bài báo phân tích về cái tát Will Smith ành cho Chris Rock ngay trên sân khấu của lễ trao giải Oscar.
Dù sự việc này có kết thúc như thế nào, thì ở đây cũng có 1 bài học được rút ra, đó là: việc đùa cợt về ngoại hình của người khác không bao giờ là một ý hay, nó cần phải bị lên án và loại bỏ. Nhưng cũng cần nhớ rằng Chris Rock là 1 diễn viên hài độc thoại hàng đầu của nước Mỹ. Công thức đùa cợt này, chắc chắn đã được anh ấy dùng đi dùng lại đến thuộc lòng trong các buổi biểu diễn của mình.
Lối diễn hài đem ngoại hình người khác ra làm trò đùa để lấy tiếng cười của khán giả không phải là mới. Đây không phải là lối diễn được đánh giá cao nhưng nó vẫn xuất hiện nhan nhản trên những sân khấu hài và trong cả vô số những gameshow truyền hình đã lên sóng tại Việt Nam.
Tuy có những lý do lên án kiểu nghệ sĩ phải là người truyền tải chân-thiện-mỹ đến công chúng, diễn theo kiểu miệt thị ngoại hình thế là không được, nhưng cũng phải thú thực rằng: tẩy chay lối diễn này rất khó. Vì thực tế là thị trường giải trí vẫn chấp nhận nó, các chương trình hài ấy vẫn có người xem, vẫn bán được quảng cáo.
Đừng quá trách móc Chris Rock, chỉ là anh ấy đang diễn 1 lối diễn hài quen thuộc, nhưng lại không làm nó trở nên duyên dáng được tại thời điểm của sân khấu Oscar.
Một câu chuyện khác không thể không nói đến đó chính là tấm biển cấm cổ vũ, ca hát, huýt sáo bằng tay tại SVĐ Saitama nơi diễn ra trận đấu vòng loại thứ 3 World Cup 2022 giữa Nhật Bản - Việt Nam.
Đây là 1 phần trong quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 được áp dụng tại Nhật Bản từ Olympic Tokyo 2020, vậy nên tất cả các cổ động viên dù đến từ đâu cũng cần phải tuân thủ. Thế nhưng, với 1 môn thể thao như bóng đá, đến sân mà không được hò hét thì còn chẳng bằng ngồi nhà xem tivi. Chắc chắn những nhân viên an ninh tại SVĐ Saitama hiểu rõ điều này. Thế mới nói họ có phần dối lòng khi cầm biến thông báo đi quanh sân.
Thực tế là khi mỗi đội có cơ hội, đặc biệt là có bàn thắng, thì lúc đó, kể cả BTC có mua độc quyền cổ họng của từng CĐV và cấm sử dụng thì những tiếng hò reo vẫn sẽ vang lên thôi.
Ngày 1/4 của 21 năm trước cũng thế. Nhiều người yêu nhạc Việt Nam đã mong rằng: thông tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời chỉ là 1 trò đùa ác ý, vô duyên của ai đó mà thôi. Nhưng buồn thay, đó lại là sự thật.
Hôm nay, nhiều hoạt động nhớ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã và đang được tổ chức. Những hình ảnh tưởng nhớ về người nhạc sĩ tài hoa trong bộ phim sắp ra mắt về ông - bộ phim "Em và Trịnh" cùng giai điệu của 1 trong những thông điệp ý nghĩa nhất mà ông để lại cho cuộc đời này. Mỗi ngày, hãy chọn một niềm vui.