Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Lan tỏa hạnh phúc đến với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt

Chia sẻ Facebook
17/11/2022 16:30:56

Ông Nguyễn Văn Hoàng đã thầm lặng gắn bó với nhiều lứa học sinh là những người khuyết tật ở Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh.

Tốt nghiệp ngành Cơ khí, Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng và sau đó theo nghề được hơn 10 năm, ông mới nhận ra đam mê của mình thiên về nghệ thuật. Tốt nghiệp, ông đi làm nghề cơ khí để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định lo cho bản thân, gia đình. Ban đầu, ông học thêm nhiếp ảnh với mục đích chơi ảnh nghệ thuật. Môn này tốn rất nhiều chi phí vì thế khi rảnh ông chụp ảnh dịch vụ để có thêm tiền "nuôi" đam mê mà không ảnh hưởng đến gia đình. Từ kiến thức về nhiếp ảnh, ông lần mò học vẽ và nhận ra bản thân có năng khiếu với môn nghệ thuật này. Không qua trường, lớp chính quy, bài bản, ông học chủ yếu từ bạn bè và tự học là chính. Sau hơn 5 năm, năm 2007, ông mở phòng tranh cho mình.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề giáo, ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết, cách đây hơn 10 năm, một phụ huynh đưa con đến phòng tranh của ông nói rằng em bị khuyết tật, không thể học được những nghề khác được, gia đình mong muốn em theo học vẽ. Ông Hoàng đồng ý dạy vẽ miễn phí cho em. Em này bị câm, điếc nên việc dạy và học rất khó khăn. Sau nhiều năm nỗ lực của cả thầy và trò, em đã lành nghề và tiếp tục ở lại phòng tranh của ông làm việc. Sau đó, ông dạy thêm cho nhiều học sinh khuyết tật. Tiếp xúc với các em, ông Hoàng mong muốn giúp đỡ thêm nhiều người kém may mắn để họ có thể tự tin rằng mình là người có ích.

Qua giới thiệu của một người bạn, ông Nguyễn Văn Hoàng tình nguyện đến dạy vẽ miễn phí cho các em khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 10 năm nay, đều đặn mỗi tuần hai buổi, ông Hoàng vượt quãng đường hơn 20 km từ Quận 10 đến Hóc Môn để dạy vẽ cho các em ở Trung tâm. Theo ông Hoàng, vẽ là môn đòi hỏi cả năng khiếu và đam mê. Vì thế, dạy vẽ cho một người bình thường đã khó, dạy cho các em khuyết tật lại càng khó hơn. Hơn nữa, một số em chọn học nghề này vì yêu thích, nhưng nhiều em được xếp vào lớp học vẽ bởi sức khỏe của các em không thể theo học những nghề khác. "Trước đây, bản thân tôi rất nóng tính, việc gì làm không được thường nản và từ bỏ. Tiếp xúc với các em, tôi học được ở các em tính kiên trì và cũng nhận thấy mình là người hạnh phúc, may mắn hơn bao người khác", ông Nguyễn Văn Hoàng bày tỏ.

Bên cạnh việc dạy vẽ cho các học viên khuyết tật, ông Hoàng còn kết nối để giới thiệu sản phẩm do các em vẽ đến nhiều người, giúp các em có thêm thu nhập. Ông Hoàng chia sẻ, sản phẩm của các em tuy không đẹp như tranh ngoài thị trường, nhưng đó là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các em. Mỗi nét vẽ đều chứa đựng tất cả tình cảm, tâm huyết của mình nên tranh các em vẽ rất có hồn.

Kể về hành trình hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ, có rất nhiều kỷ niệm nhưng điều xúc động nhất với ông đó là tình cảm gắn bó của bao thế hệ học viên với mình. Hạnh phúc lớn nhất với ông trong vai trò người thầy đó là chứng kiến nhiều lứa học sinh của mình từng bước trưởng thành, có nghề và sống được với nghề. Đó cũng là động lực để ông vượt qua khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hoàng hướng dẫn cho các em bị khuyết tật vẽ tranh.

"Có những lúc cũng nản, tôi nghĩ mình bỏ cũng không ai có thể trách mình. Nhưng chính bản thân lại không cho phép làm điều đó. Các em ở đây có khiếm khuyết về thể chất nhưng về tinh thần vươn lên rất đáng được trân trọng. Vì thế, tôi luôn tâm niệm, còn sức khỏe, tôi vẫn tiếp tục giúp các em có nghề, bước ra đời có thể tự lo cho bản thân mà không cảm thấy mình là gánh nặng của gia đình, xã hội", ông Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, trong các nghề đào tạo của Trung tâm, nghề vẽ có nhiều đặc thù. Nếu như học những nghề khác như may, massage cho người khiếm thị, kim hoàn…ra trường các em có thể vào làm việc ở công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất… Với nghề vẽ, việc vào làm việc ở những phòng tranh không dễ dàng, còn việc các em tự tạo việc làm và tìm đầu ra sản phẩm của mình còn khó hơn. Vì thế, bên cạnh những em có thể tiếp tục nghề, có em vì hoàn cảnh khó khăn, không thể tiếp tục theo nghề.

Lớp học vẽ có anh Lê Thanh Tùng (34 tuổi, quê Kiên Giang), bị liệt hai chân từ nhỏ, việc đi đứng phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe lăn. Học lớp vẽ của thầy Hoàng đã 10 năm nay, anh Tùng cho biết, ban đầu anh gặp rất nhiều khó khăn do chưa hiểu gì về màu, cách vẽ. Được thầy hướng dẫn tận tình, anh đã có thể vẽ tốt hơn, tranh của anh đã bán được ra thị trường. "Tôi cảm thấy rất vui, hạnh phúc bởi mình không phải là gánh nặng của gia đình, xã hội. Tôi thấy tự tin hơn. Việc ở lại Trung tâm trong thời gian dài như vậy một phần vì tôi muốn học hỏi thêm để nâng cao tay nghề, một phần cũng mong muốn hỗ trợ cho những bạn học viên mới có hoàn cảnh như mình cùng tiến bộ", anh Tùng chia sẻ.

Anh Trần Văn Trãi (36 tuổi, quê Tây Ninh) bị khuyết tật tay từ nhỏ. Anh đã theo học lớp vẽ của thầy Hoàng hơn một năm nay. Một tay của anh không thể vận động được, tay còn lại yếu không được linh hoạt. Ban đầu, việc lựa chọn học vẽ là do không thể học được những nghề khác. Dần dần, anh thấy yêu nghề hơn. Những nét vẽ đầy sắc màu đã giúp tinh thần, cuộc sống của anh tươi vui hơn. Những nét vẽ ấy giúp anh thể hiện được tiếng nói, cảm xúc, mong ước của mình. "Như lời thầy Hoàng, tôi sẽ nỗ lực học thật tốt, vẽ thật đẹp để sau này có nghề để tự lo cho bản thân", anh Trãi bộc bạch.

Ông Tô Tấn Đức, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi ghi nhận, hơn 10 năm nay, tấm lòng và tinh thần thiện nguyện của ông Hoàng đã cùng Trung tâm giúp nhiều học viên khuyết tật có nghề, có thêm điều kiện, động lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Chia sẻ Facebook