Ngày mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
Ngày mai (6-7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên bất thường xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31-12 năm nay.
Theo chương trình phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ trình bày tờ trình. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận.
Tiếp theo, chủ tọa tổng hợp ý kiến phát biểu, nêu nội dung để Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết. Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
Theo ông Cường, Ủy ban Tài chính - ngân sách sẽ họp thẩm tra, cho ý kiến sớm nội dung này trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trước đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31-12 năm nay.
Cụ thể, xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít còn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống 300 đồng/kg.
Nếu được Thường vụ Quốc hội thông qua, mức giảm thuế bảo vệ môi trường lần tiếp theo này sẽ được áp dụng từ 1-8-2022.
Đề xuất trình Quốc hội bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
Một thành viên khác của Ủy ban Tài chính - ngân sách lý giải theo quy định, việc giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn theo đề nghị của Chính phủ vẫn thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, còn bỏ thuế này sẽ phải trình Quốc hội.
Đối với các thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu sẽ thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Do vậy các cơ quan chức năng đã chọn tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường về mức sàn là cách làm nhanh nhất, không phải chờ đến kỳ họp Quốc hội tới (dự kiến vào tháng 10-2022).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách, cho rằng ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường, trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao, các cơ quan chức năng nên trình Quốc hội xem xét bỏ hẳn thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bởi theo ông Vân, thuế tiêu thụ đặc biệt trên xăng đã lạc hậu khi không còn tính thời sự và bối cảnh hoàn toàn khác.
"Trước đây, một trong những lý do áp thuế tiêu thụ đặc biệt trên xăng là vì đây là mặt hàng chỉ dùng cho các thiết bị như ôtô, xe gắn máy thuộc sở hữu của những người có thu nhập cao trong xã hội.
Tuy nhiên, đến nay việc duy trì thuế này trên xăng không còn hợp lý. Do vậy nên bỏ càng sớm càng tốt chứ không phải giảm", ông Vân nói và nêu rõ, với các loại thuế khác như VAT... cũng cần xem xét giảm sâu.
Ông Vân nêu rõ, thẩm quyền quyết định đối với việc bỏ, giảm các loại thuế trên thuộc Quốc hội. Do đó, nếu thấy cần thiết, Quốc hội hoàn toàn có thể triệu tập kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định thay vì chờ đến kỳ họp thường kỳ vào cuối năm.
"Quốc hội đã triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất vào dịp đầu năm nay nên việc triệu tập kỳ họp bất thường tiếp theo là điều bình thường.
Đối với việc triệu tập kỳ họp bất thường để xem xét việc giảm thuế liên quan nhằm giảm giá xăng dầu là điều đáng làm để giúp đỡ người dân, doanh nghiệp bớt khó khăn, đồng thời kiềm chế lạm phát, tạo ổn định cho nền kinh tế", ông Vân nêu quan điểm.
Ngày 4-7, thừa ủy quyền của Chính phủ, bộ trưởng Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.