Ngày buồn của Apple: Vốn hóa 'bốc hơi' 113 tỷ USD sau 1 đêm, Tim Cook lật đật tới Trung Quốc cứu đế chế lung lay
Vị thế thống trị của Apple đang lung lay do phải đối mặt với loạt cáo buộc xoay quanh hành vi cạnh tranh không công bằng.
Cổ phiếu Apple giảm 4,1% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (theo giờ Mỹ), qua đó xóa sổ khoảng 113 tỷ USD vốn hóa thị trường. Như vậy, dù từng là công ty giá trị nhất thế giới với hơn 3 nghìn tỷ USD, Apple đầu năm 2024 hoạt động kém hơn cả Nasdaq 100 và rổ chỉ số S&P 500, theo Bloomberg.
Đây không phải lần đầu tiên Apple bị giám sát chặt chẽ đến vậy. Ông lớn này, trong suốt nhiều năm qua, đã phải đối mặt với loạt cáo buộc làm giàu bằng cách đàn áp đối thủ. Sự phổ biến của các sản phẩm Apple đã khiến giới chức các nước để mắt và bật chế độ cảnh giác mạnh mẽ hơn bất kỳ lúc nào.
Trước đó, một vụ kiện được đệ trình lên tòa án liên bang New Jersey đã cáo buộc Apple chủ đích chặn đối thủ truy cập các tính năng phần cứng và phần mềm trên thiết bị phổ biến. Các cuộc điều tra ở châu Âu cũng tập trung nghiên cứu các khoản phí, điều khoản và điều kiện của Apple với các nhà phát triển cửa hàng ứng dụng.
Đáp trả về vụ việc này, Apple khẳng định các cáo buộc trên là “sai về thực tế và luật pháp”. Hãng cảnh báo hành động này sẽ “đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, đồng thời trao quyền lực cho chính phủ trong việc điều khiển công nghệ”.
“Ủy ban châu Âu đưa ra phán quyết dù không tìm thấy bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào về tác hại đối với người tiêu dùng. Họ bỏ qua thực tế rằng thị trường này vẫn đang phát triển mạnh, đầy cạnh tranh và tăng trưởng nhanh chóng”, trích từ thông báo của Apple.
Được biết, vụ kiện tại Mỹ cáo buộc Apple sử dụng quyền lực để ngăn người dùng chuyển đổi điện thoại dễ dàng. Công ty từ chối hỗ trợ các ứng dụng nhắn tin đa nền tảng, ví kỹ thuật số của bên thứ ba, đồng hồ thông minh không phải của Apple cũng như các dịch vụ phát trực tuyến đám mây, chẳng hạn như Spotify.
Trong một phản hồi được công bố rộng rãi, Apple nhấn mạnh mặc dù Spotify chiếm tới 56% thị phần phát nhạc trực tuyến ở châu Âu và phần lớn thành công là nhờ App Store, song phía công ty không hề trả bất kỳ khoản tiền nào cho Apple. Apple cũng liệt kê một số lượng lớn các dịch vụ mà họ cung cấp miễn phí cho Spotify, chẳng hạn như phân phối trên cửa hàng ứng dụng, API, Framework, TestFlight …
“Tại Apple, chúng tôi đổi mới mỗi ngày để mọi người yêu thích công nghệ, thiết kế các sản phẩm hoạt động liền mạch với nhau, bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật, đồng thời tạo ra trải nghiệm kỳ diệu cho họ”, phía công ty phản pháo. “Vụ kiện này đang đe dọa Apple cũng như những nguyên tắc tạo nên sự khác biệt của các sản phẩm chúng tôi”.
Nhà Táo khuyết lưu ý các vụ kiện có liên quan do Ủy ban châu Âu ra phán quyết suốt 8 năm qua đều “không tìm thấy bằng chứng nào về tác hại đối với người tiêu dùng và không có bằng chứng nào về hành vi cạnh tranh không công bằng”, song vẫn cam kết tuân thủ Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) trong vài ngày tới.
“Thực tế là người tiêu dùng châu Âu có nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết. Trớ trêu thay, quyết định ngày hôm nay chỉ củng cố vị trí thống lĩnh của một công ty đang dẫn đầu thị trường âm nhạc kỹ thuật số”, Apple nhấn mạnh.
Trong bối cảnh bị bủa vây bởi kiện tụng, Apple âm thầm xây dựng lại mối quan hệ với thị trường Trung Quốc. Mới đây, Tim Cook đã đến thăm Thượng Hải và dành rất nhiều lời khen ngợi nồng nhiệt, hứa sẽ đầu tư nhiều hơn vào quốc gia tỷ dân này.
“Không có chuỗi cung ứng nào trên thế giới quan trọng đối với chúng tôi hơn Trung Quốc”, Tim Cook nói và ca ngợi “sự hiện đại hóa, khả năng sản xuất trong các nhà máy Trung Quốc”.
Chia sẻ với truyền thông Trung Quốc, ông thừa nhận Apple sẽ cần đến sự giúp đỡ của đại lục để tạo ra tất cả các sản phẩm trung hòa carbon vào năm 2030. Bản thân công ty cũng đang đầu tư rất nhiều vào trí tuệ nhân tạo.
Theo: Bloomberg, Reuters
Vũ Anh