Ngày 28/7 loài người đã dùng hết vốn tài nguyên sinh tồn trong năm
Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu (Global Footprint Network) cảnh báo, ngày 28/7/2022 nhân loại đã viết nên một cột mốc tủi hổ khi tất cả tài nguyên toàn cầu đều cạn kiệt trước thời hạn vào ngày này. Vì vậy thời gian còn lại của năm nay loài người sẽ sống trong tình trạng “thâm hụt tài nguyên”.
Loài người dùng cạn tài nguyên của năm trước thời hạn
Theo AFP, ngày 28/7 là Ngày quá tải sinh thái Trái Đất (Earth Overshoot Day). Theo Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu (Global FootprintNetwork) và Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF), Ngày quá tải sinh thái Trái Đất là thời điểm loài người sử dụng hết “tất cả các nguồn tài nguyên mà hệ sinh thái Trái Đất có thể tái tạo trong vòng một năm”.
Chủ tịch Mathis Wackernagel của Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu cho biết: “Từ ngày 1/1 đến ngày 28/7 loài người đã dùng cạn kiệt các nguồn tài nguyên mà Trái Đất có thể tái tạo trong suốt cả năm, đó là lý do tại sao ngày 28/7 được xác định là Ngày quá tải sinh thái Trái Đất”.
Ông Mathis Wackernagel cho biết: “Đối với các thành phố, quốc gia và thậm chí cả các tổ chức kinh doanh thì đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) và thời tiết khắc nghiệt hơn cùng sự tái xuất hiện hoặc trầm trọng thêm của các cuộc chiến tranh ở một số châu lục đã dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu nghiêm trọng. Giữa 3 yếu tố trên, tầm quan trọng của việc thúc đẩy an ninh các nguồn lực của chính mình để hỗ trợ sự thịnh vượng kinh tế của chính mình ngày càng trở nên quan trọng”.
Hàng năm, Ngày quá tải sinh thái Trái Đất đánh dấu sự kiện loài người đã sử dụng hết tất cả các nguồn tài nguyên sinh học tái tạo của hành tinh trong suốt một năm. Nhân loại hiện đang sử dụng nhiều hơn 74% tài nguyên mà hệ sinh thái của Trái Đất có thể tái tạo, nghĩa là tương ứng “1,75 Trái Đất”.
Tài khoản Dấu chân Quốc gia và Năng lực Sinh học (National Footprint&Biocapacity Accounts , NFA) lấy cơ sở từ bộ dữ liệu của Liên Hiệp Quốc do Tổ chức Dữ liệu Dấu chân (FoDaFo) và Đại học York (Mỹ) cung cấp chỉ ra, kể từ những năm 1970 là lúc thế giới bước vào tình trạng quá tải sinh thái, nhưng thâm hụt hiện tại là mức lớn nhất .
Hai tổ chức phi chính phủ đã chỉ ra hệ thống sản xuất lương thực và dấu ấn sinh thái “đáng chú ý” của họ, “Nhìn chung, hơn một nửa, hay 55%, năng lực sinh học của hành tinh được sử dụng để nuôi sống con người”.
Laetitia Mailhes thuộc Mạng lưới Dấu chân Sinh thái Toàn cầu cho biết, nếu lượng tiêu thụ thịt của loài người có thể giảm đi một nửa thì Ngày quá tải sinh thái Trái Đất có thể bị lùi lại 17 ngày; nếu hạn chế lãng phí thực phẩm thì có thể lùi ngày này lại 13 ngày. Vì khoảng 1/3 lượng lương thực trên thế giới bị lãng phí nên bất kỳ biện pháp cải thiện nào cũng rất quan trọng.
Giới thiệu về Ngày quá tải sinh thái Trái Đất
“Ngày quá tải sinh thái Trái Đất” (Earth Overshoot Day) khác với Ngày Trái Đất (Earth Day) 22/4 hàng năm nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường.
Ngày quá tải sinh thái Trái Đất đề cập đến ngày mà loài người đã dùng lượng tài nguyên sinh thái (như cá và rừng) và các dịch vụ liên quan trong một năm nhất định vượt trên mức Trái Đất có thể tái tạo trong năm đó. Con người gây mức thâm hụt này bằng cách dùng cạn tài nguyên dự trữ và gây tích tụ chất thải (chủ yếu là carbon dioxide trong khí quyển). Andrew Simms là người đầu tiên đưa ra khái niệm về Ngày quá tải sinh thái Trái Đất khi làm việc tại tổ chức tư vấn của Anh là New Economics Foundation.
Quá tải sinh thái xảy ra khi nhu cầu của loài người vượt quá khả năng tái tạo của hệ sinh thái tự nhiên, nói cách khác là khi dấu chân sinh thái của nhân loại vượt quá khả năng tái tạo của hành tinh (Trái Đất). Dấu chân sinh thái dùng để đo lường lượng đất và diện tích biển cần thiết có thể sản sinh sinh vật để đáp ứng nhu cầu của dân số, bao gồm diện tích trồng lương thực, chất xơ, gỗ tiêu thụ, không gian chiếm dụng bởi nhà cửa và đường xá, và diện tích cần thiết để cô lập carbon dioxide từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Mạng lưới Dấu chân Sinh thái Toàn cầu hàng năm tính toán số ngày mà khả năng sinh học của Trái Đất có thể hỗ trợ cho dấu chân sinh thái của loài người, theo đó những ngày còn lại là thời gian “ quá tải sinh thái của Trái Đất”. Công thức được tính như sau:
Năng lực sinh học toàn cầu (tổng lượng tài nguyên thiên nhiên mà Trái Đất có thể sản xuất trong một năm) chia cho Dấu chân sinh thái toàn cầu (tổng nhu cầu của loài người về tài nguyên trong một năm), nhân với 365 ngày: (Năng lực sinh học toàn cầu/Dấu chân sinh thái toàn cầu) × 365 = Ngày quá tải sinh thái Trái Đất.
Độ chính xác của phép tính này bị hạn chế do sử dụng dữ liệu tổng hợp từ các quốc gia, nhưng dù sao dữ liệu cho thấy nhu cầu của loài người về tài nguyên thiên nhiên đã đạt đến mức không bền vững, nghĩa là trong thời gian một năm Trái Đất không thể tái sinh nguồn tài nguyên đảm bảo nhu cầu sinh tồn của loài người tương ứng năm đó.
Thiên Tư, Vision Times
Chúng ta đã rẽ lối sai ở đâu, để giờ đây 'Trái Đất đang ở giới hạn chịu đựng cuối cùng'? Các nhà khoa học đang lặp lại thông điệp cho nhân loại mà họ đã phát đi 25 năm trước, chỉ là ở mức độ…