Ngáo ộp 'hậu COVID-19'...

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 11:33:10

Cho đến nay, đại dịch COVID-19 có vẻ như dần hạ nhiệt, nhưng hậu COVID-19 lại đang là đề tài nóng hổi trong đời sống xã hội.


Thống kê chưa đầy đủ cho thấy nước ta có chừng 9 triệu F0 hoặc từng là F0, con số này còn tăng lên, hậu COVID-19 sẽ tiếp tục là mối quan tâm không nhỏ.


Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, hầu hết biến chứng hậu COVID-19 không gây nguy hiểm hay tử vong, chủ yếu ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hằng ngày. Hiện có rất nhiều trường hợp hậu COVID-19 vượt qua các triệu chứng phổ biến như trầm cảm, mất ngủ, lo âu kéo dài... chỉ bằng cách tập luyện, thay đổi suy nghĩ và cân bằng trạng thái tâm lý.

Tương tự, tại hội nghị khoa học thường niên tổ chức cách đây hơn một tháng ở Hà Nội, các chuyên gia nhấn mạnh: có không ít người bị hậu COVID-19 nhưng chỉ khoảng 10 - 20% có biểu hiện kéo dài từ trên 12 tuần đến 3 tháng. Điều này có nghĩa không phải tất cả mọi người sau F0 đều cần đi khám tầm soát hậu COVID-19. Nhóm cần thiết đi khám là những đối tượng có bệnh nền, 60 tuổi trở lên, F0 phải nhập viện…

Trao đổi không chính thức, nhiều bác sĩ có kinh nghiệm thực tế cũng nói có hậu COVID-19, nhưng phần đông là nhẹ, một thời gian sau sẽ hết. Hình như truyền thông hơi quá đà, khiến người dân hoang mang, vô tình hay hữu ý tạo điều kiện cho một số cơ sở y tế có cơ hội làm ăn phát đạt.

Cơ sở y tế hưởng lợi thế nào, xin miễn bàn, nhưng vấn nạn loạn giá khám hậu COVID-19 là có thật, giống như loạn giá kit xét nghiệm trước đây. Trên mạng, người ta quảng cáo rầm rộ, đủ kiểu khám, đủ gói khám, từ 2,5 triệu đến trên 6 triệu đồng. Có nơi còn nhấn mạnh: tất cả F0 đều cần khám tầm soát hậu COVID-19 sau khỏi bệnh từ 4 tuần đến 6 tháng. Nhiều bài viết kể về tính rất nghiêm trọng của hậu COVID-19, với hàng trăm di chứng để lại!?

Nhìn chung, người ta cật lực cổ súy cho việc đi khám hậu COVID-19. Trước thực trạng này, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh, nhưng xem ra tình hình chưa chuyển biến.

Cần khẳng định có hậu COVID-19, nhưng nó đang bị thổi phồng. Vì vậy, ngành y tế cần đẩy mạnh giải thích cho người dân hiểu rõ bản chất của hậu COVID-19, đồng thời cụ thể hóa các F0 nên tầm soát sau khi khỏi bệnh, xử lý cơ sở y tế gợi ý hay ép buộc người dân tham gia gói dịch vụ khám sức khỏe hậu COVID-19...

Hậu kiểm vẫn là điều quan trọng, chỉ ban hành văn bản mà không có biện pháp kiểm soát, chế tài khác nào "đánh trống bỏ dùi".

Như hết thảy các loại bệnh khác, người bị COVID-19 thường gặp di chứng sau khi khỏi bệnh, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Người dân không nên quá lo lắng, bởi các tài liệu đáng tin cậy đều cho rằng trừ một bộ phận nhỏ, đa số cơ thể của chúng ta tự điều chỉnh để dần trở lại bình thường.

Điều cốt yếu là phải có tâm trạng thoải mái, bồi dưỡng đủ chất, hoạt động và nghỉ ngơi đúng mức. Hãy bình tĩnh trước những lời lẽ "rung cây nhát khỉ" nhằm mục đích thu lợi không trong sáng, càng không nên tìm đến các phương pháp khám chữa bệnh phi chính thống được truyền miệng hay chia sẻ giữa các hội nhóm trên mạng.

"Đồng tiền đi liền khúc ruột". Chớ vì lo lắng quá mức mà đốt tiền vào con ngáo ộp "hậu COVID-19".

Tâm lý căng thẳng kéo dài khi mắc bệnh COVID-19 cùng với sự tấn công của virus gây tổn thương hệ thần kinh khiến nhiều người bị trầm cảm hậu COVID-19.

Chia sẻ Facebook