Ngành tài chính ứng dụng AI, IoT
Các công nghệ mới được ứng dụng vào sản phẩm tài chính giúp thay đổi thói quen tiêu dùng, thanh toán của người dân đang tác động đến chương trình đào tạo tại nhiều trường kinh tế.
Thông tin được Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế, UEH và ông Thomas Hưng Trần - Trưởng phòng cấp cao, Công ty tư vấn PwC Việt Nam chia sẻ tại toạ đàm UniPrep số thứ 7, chủ đề "Giải mã tài chính 4.0", phát sóng ngày 31/3.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, tài chính 4.0 tên đầy đủ là sự thay đổi của ngành nghề tài chính trước làn sóng cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội, với trụ cột cơ bản là Internet vạn vật, trí thông minh nhân tạo... Những ứng dụng công nghệ này được vận dụng vào tài chính làm tài chính truyền thống phải thay đổi.
Đơn cử, một trong những quyết định quan trọng của tài chính là đầu tư. Nếu trước đây các nhà tài chính phải tự phân tích, đặt lệnh trên sàn giao dịch, thì ngày nay công nghệ, cụ thể là các phần mềm đã được lập trình có thể thay thế nhà đầu tư tự phân tích, tự quyết định khi nào mua bán, cắt lời...
Một ví dụ khác, ngày nay chúng ta không cần mang ví, tiền mặt, chỉ cần có mạng là có thể sử dụng mọi dịch vụ thanh toán trực tuyến, từ mua ly trà sữa tới ô tô, nhà cửa...
"Nhiều người nói điều này không có gì mới vì ứng dụng thanh toán đã được sử dụng cách đây hàng chục năm. Nhưng chúng ta phải hiểu trước đó mọi thứ đều là ý tưởng, hoặc ứng dụng cục bộ, manh mún chứ không có tính hệ thống như hiện nay, vì lúc đó chúng ta chưa có mạng 3G phủ khắp, điện thoại smartphone giá rẻ...", Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho hay.
Đồng quan điểm với Phó giáo sư Quốc Bảo, ông Thomas Hưng Trần chia sẻ thêm, tài chính 4.0 là kết quả của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cách mạng công nghiệp thực chất là sự thay đổi cách thức làm việc, lao động và công cụ hỗ trợ con người làm việc. Cuối thế kỷ 18 là sự ra đời của động cơ hơi nước, đầu thế kỷ 20 là sự ra đời của cách mạng 2.0 - sự ra đời của động cơ điện và phân chia lao động thành các ngành nghề, phòng ban. Đến cuộc cách mạng 3.0, công nghệ điện toán, công nghệ thông tin, công nghệ bán dẫn ra đời với sự xuất hiện của máy tính, Internet và các loại thanh toán không tiền mặt.
Giai đoạn 2010-2020, xuất hiện công cụ mới dẫn tới sự kết hợp giữa thế giới thật và ảo như cảm biến, kiểm soát giao tiếp... tất cả đều được kết nối với Internet. Điều này dẫn tới sự ra đời của công nghiệp 4.0. "Theo đó, tài chính 4.0 là một phần kết quả của cách mạng công nghiệp 4.0 bằng cách đưa các công nghệ thật ảo vào trong các ngành tài chính để tạo ra các phương thức giao dịch tài chính mới có lợi cho người sử dụng, cho thị trường và sự phát triển của nền kinh tế", ông Thomas Hưng Trần nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thomas Hưng Trần, tài chính 4.0 khác biệt so với tài chính thông thường ở chỗ công nghệ thật ảo được tích hợp vào mọi thiết bị xung quanh. Đơn cử, trước đây, người dân cầm thẻ rút tiền, giờ cầm điện thoại vì đã có ví ảo, thậm chí ví ảo còn kết nối điện toán đám mây giúp ngân hàng đánh giá được điểm tín dụng của khách hàng cùng nhiều phân tích hữu ích khác. "Sự xóa mờ ranh giới thật ảo dẫn tới những tiện ích mà tài chính cũ không đáp ứng được gọi là tài chính 4.0", Trưởng phòng cấp cao, Công ty tư vấn PwC Việt Nam cho hay.
Chia sẻ thêm về tác động của tài chính 4.0 tới doanh nghiệp, thầy Bảo cho rằng, trong tương lai sẽ có nhiều ngành nghề phải thay đổi, thậm chí bị đào tải, nhiều ngành mới ra đời. Ví dụ, ngày càng có nhiều ý tưởng về "Only internet banking" - chúng ta sẽ dần không thấy chi nhánh, phòng giao dịch trên đường phố nữa, vì không cần thiết.
"Cả năm nay tôi chưa đến các phòng giao vì mọi nhu cầu như tiền điện, nước, điện nước, học phí thậm chí gửi tiết kiệm, tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đầu tư thị trường chứng khoán, tất cả tôi đều thực hiện hiện thông qua điện thoại", thầy Bảo nói.
Ngày nay, các doanh nghiệp cũng có thể trình bày dự án mà không cần đưa khách hàng đến thực địa vừa xa vừa tốn chi phí. Trong khi đó, công nghệ thực tế ảo có thể giúp nhà đầu tư cảm giác như đang ngồi tại hiện trường, thấy từng ngóc ngách của dự án và chốt đơn dễ dàng.
Trước sự thay đổi không ngừng của công nghệ, thầy Bảo nhắn nhủ tới sinh viên: "Sự học tập nghiên cứu phải đón đầu xu hướng, vì thế giới thay đổi rất nhanh chóng. Cách tốt nhất là các em hãy trang bị cho mình tư duy, phương pháp làm việc và thái độ tích cực để có thể chấp nhận, thích nghi và sẵn sàng cho những thay đổi".
Nguyễn Phượng