Ngành lúa gạo liên tục đón tin vui: Nhìn lại nội lực của doanh nghiệp Việt trước thềm phát triển mới
Tờ Bangkok Post mới đây đã dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-on cho biết thỏa thuận đạt được sau các cuộc thảo luận giữa hai nước về giá gạo xuất khẩu.
Ngành gạo liên tục có tin vui
Động thái này nằm trong chiến lược chung hiện nay, cụ thể những nước xuất khẩu gạo được biết sẽ tìm cách để giá sản phẩm nông nghiệp cao hơn. 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (theo 2021) là Ấn Độ (19,5 triệu tấn), Việt Nam (6,4 triệu tấn) và Thái Lan (6,2 triệu tấn); sau đó là các nước như Pakistan (4 triệu), Mỹ (3 triệu), Trung Quốc (2,3 triệu).
Theo các chuyên gia, điều này là cần thiết khi mà chi phí trồng lúa đã tăng gấp đôi sau 2 năm tại Thái Lan. Không chỉ thoả thuận trên, nửa đầu năm qua ngành gạo còn đón nhận tin vui khi hai doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu thành công sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng sang châu Âu và Nhật Bản.
Cụ thể, Tập đoàn Lộc Trời (LTG) công bố hoàn thành việc giao 500 tấn gạo mang thương hiệu "Cơm ViệtNam Rice" đến các thị trường Đức, Hà Lan, Pháp trong tháng 7/2022. Theo LTG, các lô hàng xuất khẩu vào châu Âu được đóng gói trong bao bì riêng đã đăng ký mẫu mã quốc tế của tập đoàn. Kể từ khi xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (tháng 9/2020) đến nay, Lộc Trời đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo sang thị trường châu Âu.
Cùng với đó, sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An của Tập đoàn Tân Long cũng được bán trực tiếp cho người tiêu dùng Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt xuất khẩu và phân phối thành công tại Nhật - một trong những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao nhất thế giới.
Những tín hiệu trên kỳ vọng sẽ mở ra trang mới cho lúa gạo Việt Nam. Khi, trong quá khứ ngành gạo từng thu hút loạt "đại gia" gia nhập, song những thử thách kéo dài khiến không ít tay chơi bỏ cuộc (điểm qua có Vĩnh Long Food, Vĩnh Hoàn, Docimexco (FDG)…). Và đến hiện tại, các doanh nghiệp lớn trụ vững trong ngành đều là những đơn vị có thâm niên và nội lực tốt. Chỉ số kinh doanh một số công ty niêm yết cũng sớm khởi sắc từ cuối năm 2021.
Xuất khẩu gạo dự báo tăng về giá lẫn chất lượng giai đoạn 2022-2031
Điểm qua về ngành sản xuất gạo Việt Nam, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2021, tổng sản lượng gạo của Việt Nam đạt khoảng 44 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến, thức ăn gia súc, gia cầm và xuất khẩu.
Cũng trong năm 2021, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,133 tỷ USD và gạo đã trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đây là thành tích đáng ghi nhận của ngành lúa gạo trong nhiều năm qua, nhất là trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh Covid-19.
Báo cáo nghiên cứu ngành lúa gạo Việt Nam 2022-2031 của Research And Markets đánh giá Việt Nam là nước giàu lúa gạo, cây trồng nhiệt đới và thủy sản và là nước xuất khẩu nông sản lớn ở Đông Nam Á, đồng thời là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới. Research And Markets cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cả về lượng và giá trị trong giai đoạn 2022-2031, động lực gồm:
Thứ nhất, Chính phủ đã ban hành đề án tái cơ cấu nông nghiệp, theo đó cơ cấu lúa gạo được điều chỉnh mạnh mẽ cùng với thay đổi quy trình canh tác, tức là chú trọng nâng cao chất lượng hơn là tăng sản lượng gạo.
Điều này thể hiện ở chỗ vào năm 2015, hạt giống lúa chất lượng cao của Việt Nam chỉ chiếm 35% - 40% tổng số hạt giống lúa thì đến năm 2020, con số này đạt 75 -80%, thậm chí có nơi tỷ lệ sử dụng hạt giống chất lượng cao tới 90%.
Thứ hai, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo của Việt Nam có bước đột phá.
Thứ ba, trên thế giới, nhiều ngành bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng nhu cầu lương thực, thực phẩm của thị trường vẫn không giảm.
6 tháng năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt hơn 3,5 triệu tấn, trị giá 1,72 tỷ USD, tăng gần 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%. Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng nhỏ nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu.
Giá gạo trong kỳ cũng có xu hướng tăng và hiện ở mức 420 USD/tấn đối với gạo 5% tấm. Nguyên nhân do nhu cầu lương thực tăng và xung đột Nga - Ukraine khiến khách hàng chuyển sang mua gạo của các nước châu Á.
Nhìn lại nội lực của doanh nghiệp trong nước
Bức tranh lạc quan cũng thể hiện trên chỉ số kinh doanh của các công ty. Thống kê 8 doanh nghiệp kinh doanh gạo niêm yết đạt tổng doanh thu 14.415 tỷ đồng và lãi ròng 95 tỷ đồng trong quý 2/2022, lần lượt tăng 3% và 10% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt 23.200 tỷ đồng, tăng 4% và lãi ròng đạt 334 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý có Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (VSF) thoát lỗ sau 9 quý liên tục thua lỗ. Theo lý giải, trong kỳ Công ty đã quản lý tốt chi phí, hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu mới nên đã mang về lợi nhuận. 6 tháng, VSF lãi 2 tỷ, trong khi cùng kỳ lỗ ròng 148 tỷ đồng.
Tại Lộc Trời (LTG), doanh thu nửa đầu năm tăng tốt, tuy nhiên do áp lực chi phí khiến lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ. Cần nhấn mạnh, dù có thương hiệu trên thị trường gạo, song hoạt động chính của Công ty là lĩnh vực sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (chiếm 49% doanh thu 2021), sản xuất, thương mại lương thực và gạo (chiếm 39%).
Riêng về năng lực sản xuất gạo, năm 2021, LTG xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo đến nhiều quốc gia châu Âu, châu Úc, châu Á, Trung Đông và châu Phi, tăng gấp 4 lần so với năm 2020. Hoạt động xuất khẩu gạo của LTG kỳ vọng tiếp tục được đẩy mạnh trong những năm sắp tới khi LTG đã mở rộng hiệu quả thị trường.
Một đơn vị cũng được chú ý gần đây là Trung An (TAR), Công ty đạt doanh thu 1.723 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 46 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 154% so với 6 tháng đầu năm 2021. Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Mirae Asset dự báo doanh thu năm 2022 của TAR có thể tăng 10% so năm trước lên 3.432 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sản lượng xuất khẩu tăng; lợi nhuận sau thuế ở mức 141 tỷ đồng, tăng 53%.
Từ tháng 8/2020, Trung An cũng đã xuất khẩu gạo mang thương hiệu Trung An vào thị trường châu Âu. Đại diện Công ty chia sẻ với báo giới, hiện toàn bộ gạo của Công ty bán vào châu Âu đều được đóng bao bì nhãn mác thương hiệu Trung An. Sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Trung An hiện chiếm khoảng 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của công ty. Hiện TAR đã phát triển được hơn 30.000ha vùng nguyên liệu liên kết.