Ngành IT - Hiểu và chọn đúng trước cơ hội nghề nghiệp hàng đầu tương lai

Chia sẻ Facebook
29/07/2022 13:35:05

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thúc đẩy sự phát triển xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho nhân sự ngành IT.


Trong thời đại chuyển đổi số và cuộc cách mạng số hóa, nhu cầu liên quan đến ngành IT tăng một cách nhanh chóng và lập trình đang ngày càng trở thành một ngành có sức hút nhất hiện nay.

Nằm trong chuỗi hoạt động hợp tác cùng doanh nghiệp hỗ trợ Cộng đồng sinh viên có cơ hội trao đổi, tìm hiểu nhiều hơn về ngành CNTT, ngày 21/7/2022, Viện Công nghệ và Đào tạo Devmaster đã kết hợp cùng Khoa Công nghệ thông tin tổ chức buổi định hướng nghề nghiệp "Ngành IT - Hiểu đủ - Chọn đúng" đồng hành cùng các bạn sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam được định hướng và giải mã sức hút của ngành IT khi ra trường

Tham dự buổi định hướng nghề nghiệp có chuyên gia Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Viện Công nghệ và đào tạo Devmaster và các bạn sinh viên khoa Công nghệ thông tin - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Chuyên gia Nguyễn Duy Quang đã có những chia sẻ về xu hướng công nghệ và thị trường CNTT trong giai đoạn hiện nay và trả lời thắc mắc của các bạn sinh viên về các kỹ năng cần thiết nhằm giúp cho các bạn có hiểu biết cho từng vị trí công việc trong ngành. Hi vọng những chia sẻ này sẽ là hành trang cho các bạn sinh viên để có công việc tốt hơn và tự tin khi ra trường. Ngoài ra, Devmaster còn đặc biệt trao tặng những phần quà và suất học bổng cho các bạn sinh viên may mắn trong phần giao lưu với diễn giả.

Nhiều giải thưởng và học bổng giá trị được trao cho các trong viên trong event

Viện Công nghệ và đào tạo Devmaster không chỉ tập trung vào công tác đào tạo, hướng nghiệp mà còn thường xuyên đồng hành và hỗ trợ các hoạt động của sinh viên trên địa bàn Hà Nội. Qua đó, tạo điều kiện tốt hơn cho sinh viên đến với những dự án học tập của Devmaster, rút ngắn khoảng cách giữa sinh viên tới doanh nghiệp, mở ra cánh cửa nghề nghiệp ổn định, vững chắc cho các bạn học viên ngay khi ra trường.

Khoa Công nghệ thông tin là 1 trong 14 Khoa đào tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, được thành lập từ 10/10/2005. Hiện, Khoa Công nghệ thông tin có 5 bộ môn, gần 60 cán bộ, viên chức; quy mô đào tạo hơn 2.000 sinh viên các ngành: Công nghệ thông tin, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo bậc đại học và ngành Công nghệ thông tin cho bậc cao học.

20 năm qua, khoa đã không ngừng lớn mạnh và phát triển. Từ những thầy trò đầu tiên của ngành Tin học (năm 2002) với 50 sinh viên (khóa 47), đến khóa 59 số lượng sinh viên tăng lên 300. Năm 2021, số lượng sinh viên là gần 700 sinh viên/khóa.

Khoa đã phối hợp với Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn mở ngành Kinh tế số; phối hợp với Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh mở ngành Thương mại điện tử và tiếp tục phối hợp để mở ngành "Quản trị hệ thống thông tin" cho bậc cao học. Hiện nay, khoa đang thu hút các bạn học sinh giỏi để phát triển hai ngành mới là: Ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu để đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Theo kết quả khảo sát, giai đoạn 2017 - 2021, tỷ lệ sinh viên của Khoa có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp trung bình đạt trên 93,7%. Khoa đã và đang có nhiều hợp tác với các viện nghiên cứu, các cơ quan, doanh nghiệp về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. 20 năm qua, Khoa Công nghệ thông tin đã đào tạo cho đất nước gần 1.500 kỹ sư, trên 20 thạc sĩ công nghệ thông tin.

Song song với nhiệm vụ đào tạo, khoa đã tổ chức tốt các hoạt động nghiên cứu khoa học. Giai đoạn 2010 - 2021, thầy trò của khoa đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao. Khoa đã xây dựng và ứng dụng thành công nhiều phần mềm trong nhiều lĩnh vực của nông nghiệp như: Quy hoạch sử dụng đất, GIS, viễn thám, sinh học, kinh tế, quản lý giáo dục. Song song với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin cho đất nước, khoa đã xây dựng các định hướng về khoa học công nghệ; trong đó chú trọng các lĩnh vực tin sinh học, xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám và mô hình mô phỏng trong quản lý, quy hoạch tài nguyên…

Chia sẻ Facebook