Ngành hàng không họa vô đơn chí

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 16:00:41

Các hãng hàng không châu Âu chưa hết khó khăn do đại dịch, lại đang phải đối mặt với những vấn đề mới do cuộc chiến tại Ukraine.

Giá nhiên liệu tăng vọt, đường bay phải điều chỉnh dài thêm để tránh Nga và Ukraine đang tạo áp lực tăng giá vé máy bay, với những hậu quả gián tiếp đối với ngành du lịch.

Chiến sự tại Ukraine khiến các hãng hàng không thêm tốn kém. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)


Mới giữa tháng trước, cổ phiếu của các hãng hàng không châu Âu tăng giá liên tục. Khi đó, nhiều nước châu Âu bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch, ngành du lịch được kỳ vọng phục hồi, kéo theo ngành hàng không.


Tuy nhiên chiến sự nổ ra giữa lòng châu Âu, cổ phiếu hàng không lao dốc. Cùng lúc xuất hiện nhiều vấn đề, đầu tiên là giá nhiên liệu tăng vọt.


Tờ Borsen ra tại Đan Mạch có bài: "Rồi sẽ phải tăng giá vé máy bay, không còn cách nào khác". Bài báo viết rằng, với mức tăng giá nhiên liệu như lúc này, giá vé phải tăng 10% mới đủ thu bù chi. "Viễn cảnh thật là u ám", theo bài báo, "xăng cho máy bay lúc này là 837 USD/tấn, dự kiến cuối năm nay sẽ lên tới 1.296 USD. Với những chặng bay dài, đặc biệt là đường bay nối châu Âu với châu Á, giá vé sẽ tăng ở mức cao nhất".

Vấn đề thứ hai là nhiều tuyến phải bay vòng để tránh vùng chiến sự. Đơn cử, chuyến bay thẳng Hà Nội - Paris bình thường chỉ khoảng hơn 12 tiếng, nhưng nay bay dích dắc kéo dài ròng rã tới gần 15 tiếng.


Báo Lidové noviny có bài viết về hãng Finnair Phần Lan, tình hình cũng tương tự. Theo bài báo, trước đây, bay từ Helsinki đến Tokyo chưa tới 9 tiếng, 8.000 km, nhưng nay phải bay vòng tránh không phận Nga, mất tới 13 tiếng, 12.000 km, tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn 40%.

Chiến sự tại Ukraine khiến các hãng hàng không thêm tốn kém. Nước Nga cũng thất thu, theo tờ Folkbladet ra tại Thụy Điển. Trước đây, mỗi năm có khoảng 300.000 chuyến bay thương mại đi qua nước Nga, tạo nguồn thu phí sử dụng không phận ổn định cho nước Nga, nay khoản thu đó không còn.


Với các hãng hàng không, bay vòng, tránh làm tăng chi phí nhiên liệu, nhân công và bảo trì máy bay. Ước tính, cứ thêm 1 tiếng bay trên trời, hãng hàng không phải tốn kém thêm 20.000 USD.


Trong khi các đường bay tầm ngắn và tầm trung bắt đầu có lãi, các đường bay tầm xa nối châu Âu với châu Á sẽ buộc phải tăng giá vé, theo tờ Le Figaro ra tại Pháp. Tính trung bình, giá vé máy bay phải tăng từ 7 - 8% trên các tuyến bay dài hơn 5 tiếng. Theo bài báo, nếu dầu thô không xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng, thì giá vé máy bay có thể phải tăng tới 16%.

Các doanh nghiệp hàng không kiến nghị cần nhiều hơn nưa những hình thức hỗ trợ để có thể tận dụng tốt cơ hội kinh doanh khi Việt Nam bắt đầu đón khách quốc tế trở lại.

Chia sẻ Facebook