Ngành hàng hải Nhật Bản thúc đẩy chuyển đổi xanh
Nhật Bản đang đẩy mạnh chuyển đổi các thế hệ tàu thuyền sang sử dụng nhiên liệu tái tạo, hướng đến một ngành hàng hải bền vững.
Chiếc thuyền chạy bằng pin là sản phẩm liên kết của nhiều công ty, bắt đầu được đưa sử dụng thử nghiệm tại Osaka từ cuối năm 2021. Theo các nhà sản xuất, những chiếc thuyền này không chỉ góp phần phát triển hệ thống giao thông đường thủy đa dạng, mà còn đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường, hướng tới nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính chung của Nhật Bản.
Ông Shouji Fuchigami - Giám đốc Công ty Trina Solar, Nhật Bản cho biết: "Giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là động lực để chúng tôi phát triển con thuyền này, điện năng sử dụng không phải từ nhiên liệu hóa thạch mà từ năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo, chúng tôi đang nghiên cứu để phát triển công nghệ này để có thể sử dụng cho các loại tàu thuyền to hơn như tàu vận tải hay du lịch".
Cũng giống như ngành giao thông, ngành hàng hải của Nhật Bản đang nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mục tiêu là giảm khí thải gây hiệu ứng xuống bằng 0 vào năm 2050.
Để đảm bảo hoạt động liên tục, một hệ thống điện mặt trời đã được xây dựng để cung cấp điện năng hoạt động cho chiếc thuyền này, mỗi lần cập bến, chiếc thuyền sẽ được tự động sạc pin theo hệ thống sạc tự động không dây, có thể sạc nhanh trong 15 đến 20 phút để hoạt động liên tục từ 6-8 tiếng.
Ông Yoshinori Tsuruda - Tổng giám đốc điều hành Hệ thống sạc, Tập đoàn Daihen, Nhật Bản chia sẻ: "Về hệ thống sạc pin, có thể thấy nếu sử dụng hệ thống sạc có dây, dây có thể bị ướt khi xung quanh đều là nước và có thể gây nguy hiểm, do đó hệ thống sạc tự động không dây cho chiếc thuyền này là một cải tiến mang lại sự thuận tiện và an toàn".
Một điểm đặc biệt là chiếc thuyền có thể có khả năng cập bến theo phương ngang, cũng như trang bị hệ thống tránh va chạm, đảm bảo an toàn khi vận hành tại các khu vực nhỏ hẹp. Dự kiến chiếc thuyền này sẽ được trưng bày tại Triển lãm Khoa học Công nghệ Expo Osaka 2025.
Nhật Bản tiếp tục chương trình viện trợ phát triển chất lượng cao, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ năng lực giám sát hàng hải của các quốc gia Đông Nam Á.