Ngành gỗ bộn bề khó khăn, dự báo sức mua giảm 50%
Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ tỉnh Bình Định đang đối mặt với khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu đầu vào và giá tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ở tỉnh này đang tính phương án cắt giảm lao động, hạn chế sản xuất do không tiêu thụ được sản phẩm.
Những ngày cuối năm, tại Công ty TNHH Hoàng Hưng ở Khu Công nghiệp Phú Tài, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định không khí sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu cầm chừng hơn so với mọi năm. Trước đây, vào dịp cuối năm, doanh nghiệp rất bận rộn, tăng ca, làm thêm giờ để kịp đơn hàng xuất đi Châu Âu và chuẩn bị đơn hàng cho năm sau. Nhưng năm nay, hàng tồn còn nhiều, đơn hàng của năm sau chưa ký được, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, thậm chí cắt giảm nhân công.
Ông Lê Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng cho biết, sản phẩm gỗ Bình Định chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Năm nay, người dân các nước châu Âu và Mỹ hạn chế chi tiêu nên sản lượng xuất khẩu giảm sâu.
“Tồn kho rồi lạm phát tăng cao, sức mua ở các thị trường giảm sút cộng với hàng tủ bếp đang bị điều tra về thuế. Rất nhiều rủi ro tới trong thời điểm này bởi vậy nên phải xác định từ nay đến cuối năm 2022 và quý 1, quý 2 của năm 2023 thị trường gỗ chịu sức ép giảm sút khoảng 50%. Các doanh nghiệp phải làm cầm chừng, lực lượng công nhân thì ưu tiên công nhân đóng bảo hiểm xã hội còn những công nhân không tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì cho nghỉ” - ông Lê Minh Thiện nói.
Theo số liệu thống kê, năm 2021, ngành gỗ tỉnh Bình Định đạt kim ngạch xuất khẩu gần 890 triệu USD, tăng 36% so với năm 2020, chiếm khoảng 68% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Bình Định. 10 tháng năm 2022, ngành gỗ Bình Định đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu gần 814 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 61% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Bình Định. Qua khảo sát, gần một nửa số doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở tỉnh Bình Định cho biết, nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm 40% trong năm 2022.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng cho năm 2023, trong khi hàng tồn kho còn nhiều, phải hạn chế sản xuất, cắt giảm nhân công.
“Hiện tại, ngành gỗ đang tìm nhiều giải pháp để duy trì sản xuất có thể ở mức chấp nhận được. Trọng tâm là đẩy mạnh xu hướng sử dụng các nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước để giảm chi phí đầu vào. Đa dạng hóa vấn đề phân phối sản phẩm, tận dụng thị trường thương mại điện tử để giảm chi phí logistic” - ông Đỗ Xuân Lập nói.
Một vấn đề khác đó là nguyên liệu phục vụ sản xuất đồ gỗ của Bình Định cũng đang gặp khó khăn. Hiện nay, 65% nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất của doanh nghiệp tỉnh Bình Định là rừng trồng trong nước và 35% là nhập khẩu. 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh, giá vận chuyển, giá thuê container cao, giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển tăng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Để tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, chúng tôi đã xây dựng Đề án phát triển trồng rừng cây gỗ lớn. Hiện nay, đã triển khai giai đoạn 2016-2020 được 4 ngàn héc ta. Theo chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 chúng tôi đạt 10 ngàn ha rừng, đạt chứng chỉ FSC để phục vụ vùng nguyên liệu”./.