Ngành gạo “thênh thang” đường mới, lội ngược dòng trong làn sóng giảm giá của thị trường chứng khoán

Chia sẻ Facebook
26/09/2022 13:45:21

Lội ngược dòng, nhóm doanh nghiệp gạo trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền, đặc biệt các mã LTG (Lộc Trời), TAR (Trung An), AFX (XNK An Giang) và PAN (PANFood) duy trì đà tăng tốt, bất chấp thị trường chung.

Phiên giao dịch đầu tuần ngày 26/9/2022 tiếp tục chứng kiến sự giảm điểm mạnh. Mở đầu phiên, VN-Index rớt hơn 16 điểm, hầu hết các cổ phiếu đều chịu áp lực chung.


Giá gạo đã đang và sẽ còn tăng

Được biết, nhóm cổ phiếu gạo thời gian gần đây được quan tâm trước bối cảnh “thiên thời địa lợi”. Trong đó, giá gạo đang tăng cao do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 150 quốc gia và đóng góp khoảng 36,7% thương mại gạo toàn cầu, do đó, bất kỳ sự sụt giảm nào về khối lượng xuất khẩu cũng sẽ gây áp lực lên giá gạo.

Mặt khác, nguồn cung gạo toàn cầu còn đối mặt rủi ro do tình trạng thời tiết khắc nghiệt ở các nước xuất khẩu lớn, ghi nhận tại báo cáo mới nhất của Chứng khoán VNDirect (VND).

Cụ thể, thời tiết khắc nghiệt gần đây tại các nước xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á, nơi chiếm khoảng 90% sản lượng gạo thế giới, có khả năng làm giảm năng suất và sản lượng trong năm nay.

Riêng Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đã phải hứng chịu hạn hán nghiêm trọng tại 7 tỉnh, khiến sản lượng gạo của quốc gia này có thể bị giảm và dự kiến sẽ phải tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục là khoảng 6 triệu tấn vào niên vụ 2022/2023.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, tồn kho toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm khi dự báo tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ trong giai đoạn 2022-2023 (tỷ lệ hàng tồn kho trên tiêu thụ) chỉ ở mức 34,4% (so với mức trung bình 36,6% của giai đoạn 2018-2022).

Trong khi đó, VND thấy nhu cầu đang tăng lên. Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục 6 triệu tấn trong năm 2022/2023 do giảm năng suất. Chưa kể, lệnh cấm xuất khẩu lương thực bao gồm lúa mì và đường từ Ấn Độ, dầu cọ từ Indonesia cũng hác nước nhập khẩu thực phẩm như Philippines đang cố gắng tăng lượng tồn kho dự trữ.

Vì vậy, VND tin rằng gạo có thể chịu áp lực tăng giá trong thời gian tới. Và trong đó, Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu xu hướng tăng giá của gạo. Phía Chính phủ Thái Lan cũng đang tìm kiếm giải pháp để hỗ trợ người nông dân trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, bao gồm chiến lược bắt tay với các nước xuất khẩu gạo lớn (bao gồm Việt Nam) để nâng giá bán.


Giá gạo Việt Nam và Thái Lan (USD/tấn)

Nguồn: VND tổng hợp.


Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, với 7,8% giao dịch thương mại toàn cầu; và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần. Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, giá trị và sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam lần lượt đạt 2,3 tỷ USD – tăng 9,9% so với cùng kỳ và 4,8 triệu tấn – tăng 20,7%. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, sau Philipine, chiếm 12% tổng xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm 2022.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo đó, nhằm nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế, Dự án Chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường (MSVC) đã ra đời, dưới sự hợp tác công tư giữa Công ty Olam Agri, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Tỷ trọng các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong

tháng đầu năm 2022

Nguồn: VND tổng hợp.

DN có tỷ trọng xuất khẩu lớn như TAR, LTG, PAN được hưởng lợi

Với những luận điểm trên, doanh nghiệp đang hưởng lợi cơ hội chung của ngành; đặc biệt là nhóm công ty có trọng xuất khẩu gạo lớn như TAR, LTG, PAN.

Trong đó, LTG sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xuất khẩu gạo nhờ là một trong những nhà phân phối gạo đến cả hai thị trường trọng yếu trong thời điểm này là Châu Âu và Trung Quốc. Với định hướng phát triển tập trung vào mảng lương thực, tỷ trọng doanh thu của mảng gạo đạt 39% trong năm 2021 (2020: 28%) và 57% trong 6 tháng đầu năm 2022. Mặc dù biên lợi nhuận gộp của mảng thấp (2-3%), VND cho rằng điều này sẽ được cải thiện nhờ giá gạo xuất khẩu tăng. Chúng tôi kì vọng sản lượng gạo xuất khẩu tăng sẽ kéo theo những hợp đồng với người nông dân và mở rộng vùng nguyên liệu. Từ đó sẽ thúc đẩy doanh thu của mảng thuốc bảo vệ thực vật cũng như mảng giống cây trồng của LTG.

Với TAR, Công ty kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc giảm sản lượng và Ấn độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán. Kinh doanh gạo là lĩnh vực chủ yếu của TAR với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chính của DN này với tỷ trọng lên đến 27% doanh thu xuất khẩu. Vì vậy, VND kì vọng Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam sẽ là động lực giúp TAR tăng sản lượng xuất khẩu. Hơn nữa, việc giá gạo xuất khẩu được kì vọng tăng sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp vào thị trường này, nơi vốn được coi là có biên lợi nhuận thấp so với thị trường Châu Âu.

Cuối cùng, PAN cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc Châu Âu giảm sản lượng và Ấn độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán. Khi, mảng nông nghiệp hiện đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của PAN khi đóng góp 19% vào tổng doanh thu và 39% vào tổng lợi nhuận gộp. Sản lượng sản xuất lúa gạo châu Âu giảm sẽ là yếu tố giúp thúc đẩy sản lượng xuất khẩu. Ngoài ra, việc giá xuất khẩu gạo được kì vọng tăng sẽ giúp gia tăng biên lợi nhuận gộp của mảng lúa gạo.


Tỷ trọng xuất khẩu của TAR, LTG và PAN năm 2021

Nguồn: VND tổng hợp.

Chia sẻ Facebook