Ngành du lịch “khát” nhân lực
Đến nay, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch đã hoạt động bình thường, nhưng số lao động mới được hơn 30.000 người.
Hiện lực lượng lao động trực tiếp khối cơ sở lưu trú du lịch chưa đạt đến 400.000 người, đáp ứng được hơn 70% nhu cầu. Đặc biệt, các dịp cao điểm như nghỉ lễ, Tết, cuối tuần lại càng thiếu nhiều hơn.
Thông tin được đưa ra tại hội thảo "Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn để phục hồi và phát triển Du lịch quốc tế ở Việt Nam" tổ chức ngày 9/8 tại TP Hồ Chí Minh.
Đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch cho rằng, trước dịch, toàn ngành có khoảng 4 triệu lao động, trong đó có 1,5 triệu lao động trực tiếp, với 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo.
Các đại biểu cho rằng cần có chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động du lịch toàn diện; nâng cao chất lượng nghề du lịch; đa dạng hóa các hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo.
Theo các chuyên gia, ngành du lịch cả nước đang chứng kiến cuộc "đại tuyển dụng" quy mô lớn bậc nhất từ trước đến nay, khi nhiều đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ đang ráo riết tìm kiếm lao động.
Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, sau 4 tháng mở cửa, toàn ngành phục vụ 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, đón 733.400 lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu đạt 316.000 tỷ đồng, trên 90% cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước trở lại hoạt động bình thường. Dự báo quý 4/2022 sẽ tăng số khách quốc tế lưu trú so với thời điểm hiện nay.