Ngành dệt may thúc đẩy xuất khẩu sang Canada thông qua CPTPP
Thị trường dệt may Canada được đánh giá là có sức tiêu thụ rất lớn nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường này vẫn còn khiêm tốn.
Theo báo Công Thương , những năm gần đây, thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ), Việt Nam trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 7 của Canada trong khi Canada là thị trường xuất khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam. Tính cả số lượng hàng hoá xuất khẩu trung chuyển qua Hoa Kỳ, Canada là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam với mức thặng dư thương mại năm 2022 đạt trên 9 tỷ USD.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế nhưng thị trường Canada vẫn ghi nhận tăng trưởng nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, các mặt hàng da giày tăng 47%, túi xách tăng 33%; dệt may mã HS62 tăng 7,8%; sản phẩm gỗ mã HS44 tăng 43% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường dệt may Canada được đánh giá là có sức tiêu thụ rất lớn, với tốc độ tiêu thụ lên tới 10 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường này vẫn còn rất khiêm tốn, cho dù tăng trưởng hàng năm đã đạt hơn 40%.
Theo số liệu của Cơ quan dịch vụ biên giới Canada, giá trị xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 41,2% so với năm 2021. Việt Nam đã vượt qua Bangladesh, nước có chi phí sản xuất thấp hơn, để trở thành nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai vào Canada chỉ sau Trung Quốc, với thị phần hơn 12%.
Trao đổi với TTXVN , tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam Trần Thu Quỳnh cho hay với xu hướng chuyển dịch nguồn cung và tìm kiếm đối tác mới của các doanh nghiệp Canada, Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia có khả năng cung ứng hàng dệt may với số lượng lớn và chất lượng cao.
Nhờ lợi thế từ CPTPP, các doanh nghiệp Canada đang rất quan tâm tới nguồn cung hàng từ Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới nay, việc tận dụng hiệp định này của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thấp.
Hội chợ nguồn cung dệt may Canada 2023 tại Toronto, sự kiện thường niên liên quan tới việc tìm kiếm nguồn cung ứng dệt may lớn nhất Bắc Mỹ, đã thu hút 6 doanh nghiệp Việt Nam trong số hơn 200 doanh nghiệp tham gia. Hầu như các doanh nghiệp Việt Nam đều có đủ năng lực về nguồn nguyên vật liệu để đảm bảo tận dụng được Hiệp định CPTPP khi tiến vào thị trường Canada.
Mặc dù đây mới là lần thứ hai tham gia sự kiện này, nhưng Việt Nam đã có hai doanh nghiệp trực tiếp tham gia là Việt Vương và Vietnam Export Garments. Đây là hai doanh nghiệp có năng lực sản xuất vải sợi đáp ứng nguyên tắc xuất xứ theo hiệp định CPTPP.
Bốn doanh nghiệp còn lại là Thái Sơn, May Hai, Tường Long và Wisermax không trực tiếp tham gia, nhưng được Thương vụ Việt Nam tại Canada hỗ trợ tổ chức gian hàng nhằm quảng bá và giới thiệu các sản phẩm của mình.
Trao đổi với TTXVN về cơ hội của ngành dệt may Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Canada Bob Kirke cho biết, công nghiệp dệt may của Việt Nam đã rất hoàn thiện và có thể cạnh tranh toàn cầu. Theo ông, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội bởi các nhà máy từ lâu đã đầu tư cho việc thực hiện các biện pháp về môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả. Vì vậy sản phẩm rất có tính cạnh tranh cao trên toàn cầu.
Thương vụ Việt Nam tại Canada cho hay, tại hội chợ năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp đã thể hiện được khả năng cung cấp sản phẩm vải sợi đủ tiêu chuẩn đáp ứng tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ theo CPTPP, điều có thể mang lại nguồn xung lực mới cho thương mại và đầu tư dệt may giữa hai nước. Việc hai nước đều là thành viên của hiệp định thương mại đa phương này đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Canada.
Đáng chú ý, sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Canada đã loại bỏ ngay 42 dòng thuế đối với sản phẩm dệt may Việt Nam và sau 5 năm thực thi, giá trị xuất khẩu của dệt may Việt Nam đã tăng 100% so với năm 2018, thời điểm CPTPP chưa có hiệu lực.
Hiện nay, Thương vụ Việt Nam tại Canada đang đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thông qua công tác kết nối và phổ biến thông tin về thị trường Canada để có thể giúp tận dụng tối đa nguyên tắc xuất xứ của CPTPP trong dệt may.
Đồng thời, Thương vụ Việt Nam tại Canada giúp các doanh nghiệp hiểu rõ sự thay đổi trong tư duy tiêu dùng hàng may mặc của người Canada cũng như việc làm thế nào để tham gia hội chợ nguồn cung dệt may ở nước này một cách hiệu quả nhất.
Giám đốc Hội chợ nguồn cung dệt may John Banker nhận xét trong 2 năm qua, với sự giúp đỡ của Thương vụ Việt Nam, hội chợ này đã có thể thiết lập được một số kết nối và bắt đầu đưa các công ty lớn của Việt Nam tham gia hội chợ. Ông bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ này vào năm tới.
Trong một hội thảo về CPTPP diễn ra vào tháng 2, bà Pirkko Penttila, điều phối viên khu vực về các vấn đề CPTPP của Canada, cho biết ASEAN hiện là trọng tâm chính của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của quốc gia này.
"Canada đã có FTA với một số thành viên CPTPP như Mexico, Chile và Peru. Nhưng trong CPTPP cũng có một số nhân tố thay đổi cuộc chơi, điển hình như Việt Nam", bà Penttila nhận định.
Theo bà Penttila, CPTPP là một thỏa thuận mang lại khả năng tiếp cận thị trường ưu đãi cho các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bà cho rằng chúng ta thường nghĩ đến hiệp định này ở khía cạnh thương mại, ví dụ như loại bỏ các loại thuế quan, nhưng hiệp định này còn hơn thế nữa.
"CPTPP bao quát mọi lĩnh vực và khía cạnh của thương mại nhằm loại bỏ mọi rào cản đối với hoạt động thương mại, giúp tạo ra một môi trường công bằng, minh bạch và nhất quán giữa các thị trường nội khối", báo Tuổi Trẻ dẫn lời bà Penttila.
Bà Penttila khẳng định Canada rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam, đối tác thương mại lớn nhất của nước này tại Đông Nam Á. Theo bà, việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Canada càng đặc biệt hơn trong bối cảnh 2023 là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Canada.
Minh Hoa (t/h)