Ngành dệt may đối mặt với thách thức trong nửa cuối năm 2022 song sẽ dần lấy lại đà tăng trưởng vốn có

Chia sẻ Facebook
30/08/2022 09:33:59

VDSC kỳ vọng ngành dệt may sẽ dần lấy lại đà tăng trưởng vốn có trong 3-5 năm tới, nhờ các yếu tố thuận lợi từ sự phục hồi kinh tế của các nước nhập khẩu, xu hướng chuyển đổi đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, lợi thế từ các hiệp định thương mại và sự cải thiện của chuỗi giá trị sản xuất.

Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 18,53 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ và ghi nhận mức kỷ lục. Điều này là nhờ nhu cầu dồn nén sau đại dịch ở các nước phát triển và sự phục hồi các hoạt động sản xuất trong nước.

Nhu cầu hàng may mặc đang bắt đầu hạ nhiệt, đặc biệt là ở Mỹ

Được thúc đẩy bởi chi tiêu từ người tiêu dùng, trong nửa đầu năm 2022, giá trị và sản lượng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ lần lượt tăng 40% và 24% so với cùng kỳ năm trươcs. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đang chậm lại bởi nhu cầu suy yếu trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng quan tâm đến tương lai tài chính của gia đình và có thể hạn chế việc mua các sản phẩmquần áo. Từ mức tăng gần 10% vào đầu năm nay, tăng trưởng nhập khẩu hàng tháng của hàng may mặc ở Mỹ giảm xuống chỉ còn 2,6% về giá trị và gần như bằng 0% về sản lượng vào tháng 6/2022.

Trong đánh giá mới đây, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự đoán rằng nhiều hãng hàng thời trang Mỹ sẽ thận trọng hơn trong việc đặt các đơn hàng mới trong nửa cuối năm nay để kiểm soát hàng tồn kho và ngăn chặn tình trạng dư thừa trước tương lai khó lường của nền kinh tế Mỹ trong trung hạn.

Còn theo Vinatex, nhu cầu nhập khẩu dệt may của thị trường Mỹ có khả năng giảm 7-10% trong nửa cuối năm so với 6 tháng đầu. VDSC cho rằng sự sụt giảm đơn hàng sẽ rõ ràng hơn trong năm 2023, gây áp lực lên tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Chi phí nguyên vật liệu tăng cao gây áp lực lên biên gộp của các công ty

Do tác động kép của gián đoạn chuỗi cung ứng sau COVID và cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine, giá sợi và bông nhập khẩu vào Việt Nam tăng trung bình 10% so với cùng kỳ năm trước trong 6 tháng đầu năm 2022 theo xu hướng tăng của giá cả hàng hoá toàn cầu.

Điều này đã gây áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành khi hầu hết các công ty đều ghi nhận giảm biên gộp trong nửa đầu năm. VDSC kỳ vọng biên lợi nhuận của các công ty mặc dù đang dần phục hồi nhưng vẫn chưa thể đạt mức bình thường trong năm 2023 do việc phục hồi nguồn cung nguyên liệu bị trì hoãn.

Nhìn chung, VDSC cho rằng ngành dệt may trong tương lai gần sẽ đối mặt với nhiều thách thức.


Thứ nhất là áp lực lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt, đặc biệt là Mỹ, dẫn đến cắt giảm đơn hàng mới. Thứ hai là khó khăn do gián đoạn nguồn cung có thể kéo dài , đẩy giá nguyên liệu leo cao. Xung đột Nga-Ukraine đã làm dấy lên lo ngại lạm phát ở nhiều nước. Tại Mỹ và châu Âu, giá lương thực tăng cao sẽ khiến sức mua hàng tiêu dùng, trong đó có dệt may, giảm đáng kể, ảnh hưởng đến các đơn hàng kinh doanh trong quý 3 và 4. Bên cạnh đó, nguồn nguyên phụ liệu của dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. Chính sách "Zero Covid" và tình trạng thiếu năng lượng ở Trung Quốc đang hạn chế nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may, khiến giá nguyên liệu đầu vào leo thang và gây áp lực lên biên lợi nhuận của các công ty dệt may Việt Nam.

Chia sẻ Facebook