Ngành công nghiệp thời trang "quay vòng"
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, Black Friday năm nay có ghi nhận một chút khác biệt do tình hình lạm phát.
Ví dụ như tại Mỹ, thống kê cho thấy lượng người săn hàng giá rẻ còn nhiều hơn năm ngoái. Vậy các hãng chuyên bán đồ thời trang xa xỉ , đắt tiền, họ có trở nên lạc lõng trong đại hội giảm giá này hay không? Một số công ty đã đưa ra giải pháp kinh doanh, để bán được đồ hiệu xa xỉ mà khách không cần bỏ ra số tiền quá lớn vẫn mua được.
Một chiếc túi hàng hiệu, giá trị có thể lên tới vài nghìn đến vài chục nghìn USD. Nhưng nếu bạn thật sự là một tín đồ thời trang thì cũng có thể sở hữu nó với một cái giá thấp hơn nhiều lần. Chỉ có điều, đây là đồ đã qua sử dụng và được chủ nhân cũ của nó giữ gìn rất cẩn thận, đủ điều kiện để sang tay đổi chủ.
Bà Sarah Davis, nhà sáng lập công ty Fashionphile, cho biết: "Tôi cho rằng đây là cách mua sắm rất tích cực. Nhiều người đến đây vì họ quan tâm tới xu hướng quay vòng".
Công ty Fashionphile đã hoạt động trong ngành tái sử dụng đồ xa xỉ từ năm 1999. Bắt đầu từ việc khách hàng có nhu cầu mua các món đồ thương hiệu lớn, nhưng giá cả lại trở thành rào cản. Fashionphile cho biết hiện giờ họ có thể đưa ra các món đồ với giá chỉ bằng 30% giá niêm yết tại các cửa hàng.
Bà Sarah Davis cho biết thêm: "Chúng tôi muốn khách hàng được tiếp cận món đồ mà họ hằng ao ước. Không phải ai cũng có thể mua một chiếc Birkin. Nếu một cô bé học cấp 3 muốn mua một chiếc túi của Louis Vuitton, chúng tôi cũng có những mẫu vintage có giá còn rẻ hơn một chiếc túi bình thường".
Càng ngày người tiêu dùng càng chú trọng về tính bền vững của những sản phẩm họ mua, thay vì lãng phí. Không chỉ có các công ty nhập cuộc, mà các thương hiệu thời trang toàn cầu cũng không bỏ qua xu thế này. Trong tháng này, hãng Zara vừa ra mắt dịch vụ mua lại những món đồ đã qua sử dụng mà còn tốt, cho phép các khách hàng của mình bán lại hoặc thậm chí là tặng lại cửa hàng những món đồ họ đã mua mà không còn dùng tới. Trang thương mại điện tử Ebay trong dịp Black Friday vừa rồi cũng quảng bá riêng cho các sản phẩm đã qua sử dụng.
Bà Marie Discoll, Giám đốc mảng hàng xa xỉ, Coresight Research, nhận định: "Tính bền vững của một sản phẩm là giá trị cốt lõi ở đây. Chúng tôi nghĩ nó sẽ tiếp tục là một xu hướng mạnh trong vòng 10 năm tới. Nó cũng khiến cho các sản phẩm trở nên độc nhất vô nhị thay vì được sản xuất hàng loạt".
Theo trang thống kê Statista, trong năm 2021, giá trị của ngành công nghiệp thời trang tái sử dụng đã lên tới 96 tỷ USD.