Ngành công nghiệp Đức "bên bờ vực" vì khủng hoảng năng lượng

Chia sẻ Facebook
15/11/2022 19:59:33

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài, nhiều công ty Đức phải đối mặt với lựa chọn khó khăn là đóng cửa hoặc chuyển địa điểm khác.

Tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF của Đức thông báo vào cuối tháng 10 rằng họ sẽ giảm hoạt động ở châu Âu để đối phó với chi phí năng lượng cao. Liệu đây có phải là sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng đối với ngành công nghiệp Đức?

Rõ ràng là một viễn cảnh đen tối hơn đang hiện hữu ở phía trước, vì giá năng lượng cao và nguồn dự trữ khí đốt giảm dần có thể gây ra làn sóng ngừng hoạt động của các công ty tầm trung không thể vượt qua "cơn bão", trong khi các công ty lớn hơn có tiềm lực tài chính tốt hơn muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh an toàn hơn ở các quốc gia khác.

Nếu không có sự cứu trợ, "cơn ác mộng" vào năm 2023 và sau đó có thể xuất hiện trong ngành công nghiệp nặng của Đức - ngành không chỉ tạo nền tảng cho nền kinh tế dẫn đầu về xuất khẩu mà còn có mối liên hệ chặt chẽ với hàng nghìn nhà cung cấp ở các nước láng giềng EU như Séc, Slovakia. Đối với những nước này và phần còn lại của nền kinh tế EU, hậu quả của quá trình phi công nghiệp hóa trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể là thảm khốc.

Nhà kinh tế Stefan Schneider của ngân hàng Deutsche Bank nói: "Khi chúng ta nhìn lại cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại trong 10 năm tới, chúng ta có thể coi thời điểm này là giai đoạn khởi đầu cho quá trình phi công nghiệp hóa ngày càng tăng ở Đức".

Sau khi BASF - một trụ cột của ngành công nghiệp Đức được thành lập cách đây gần 160 năm - thông báo cắt giảm hoạt động của mình ở châu Âu do chi phí năng lượng cao, những công ty khác dự kiến ​​sẽ làm điều tương tự.

Nhà kinh tế trưởng Robin Brooks của Viện Tài chính Quốc tế cho biết: "Có một dự báo cơ bản rằng nhiều hoạt động sản xuất tiêu thụ năng lượng cao, đặc biệt là trong hóa chất và dược phẩm, sẽ chuyển sang các địa điểm khác.

Trong khi BASF là một nhà tiêu thụ năng lượng khổng lồ, các công ty dược phẩm và nhà sản xuất cũng là những nhà tiêu dùng năng lượng lớn và họ có thể sẽ tìm đến những nơi khác có giá năng lượng rẻ hơn. Trên thực tế, khoảng 9% công ty trong Mittelstand - khu công nghiệp vừa và nhỏ nổi tiếng của Đức - đang xem xét nghiêm túc việc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, tăng so với 6% vài tháng trước.

Ngược lại, những công ty, cửa hàng thiếu khả năng tài chính để di dời có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa - trong đó có các chủ doanh nghiệp như Per Kadach, một chủ tiệm bán thịt qua 5 thế hệ sử dụng 100 nhân viên ở Spremburg, miền Đông nước Đức.

Theo các hợp đồng khí đốt mới có hiệu lực vào năm tới, ông Kadach cho biết cửa hàng của ông sẽ phải trả gấp 8 lần hóa đơn hiện tại, trong khi giá nguyên liệu thô mà ông cần để vận hành công việc kinh doanh của mình đã tăng vọt. Ông Kadach chia sẻ: "Chúng tôi không biết có thể tồn tại bao lâu nữa trừ khi mọi thứ thay đổi".


Con đường "chông gai" phía trước

Hiện tại, nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn đang trụ vững. Tổng sản phẩm quốc nội tăng 0,3% trong quý 3 năm nay và ngân hàng đầu tư đa quốc gia Mỹ Goldman Sachs, vốn tỏ ra lạc quan hơn về Đức so với các tổ chức tài chính khác, dự đoán mức giảm 1,1% GDP của nước này vào năm 2023 - một con số "đau đớn", nhưng không phải là thảm khốc.

Jari Stehn, chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs cho biết: "Chúng tôi dự báo một cuộc suy thoái, nhưng ở mức vừa phải so với những gì đã thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đây và đại dịch COVID-19".

Đức phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga. Ảnh: DW


Những người lạc quan chỉ ra thực tế rằng Đức đã tích trữ lượng khí đốt đáng kể. Thêm vào đó, Chính phủ Đức đã quyết định chi 200 tỷ euro để giảm bớt tác động từ giá năng lượng cao. Chuyên gia Stehn nói thêm: "Rủi ro về khủng hoảng năng lượng đã giảm đi phần nào so với những gì chúng ta thấy vài tuần trước".

Tuy nhiên, nền kinh tế Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga so với hầu hết các nước láng giềng và không có lựa chọn thay thế dễ dàng nào để tiếp cận, vì đảng Xanh trong Chính phủ Đức quyết tâm phản đối bất kỳ sự gia hạn năng lượng hạt nhân nào sau thời hạn hiện tại là năm 2023.

Trong khi đó, có rất ít hy vọng rằng giá xăng sẽ sớm giảm trở lại mức trước đại dịch COVID-19 bất cứ lúc nào. Hầu hết các nhà đầu tư cho rằng giá khí đốt tự nhiên chỉ giảm xuống dưới 100 euro/MWh (Megawatt giờ) vào năm 2025, vẫn cao hơn 5 lần so với trước đại dịch.

Giá cả duy trì ở mức cao càng lâu, thì mọi thứ càng khó khăn hơn đối với các nhà sản xuất Đức và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng khác. Đó là lý do tại sao Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức khác đang cảnh báo rằng mối nguy hiểm thực sự đối với Đức không phải là mùa Đông này - mà là giai đoạn tiếp theo.

"Mùa Đông này sẽ khó khăn nhưng mùa Đông năm 2023 có thể còn tồi tệ hơn", Phó tổng giám đốc điều hành thứ nhất IMF Gita Gopinath cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Chuyên gia Stehn đồng tình: "Khi mùa Đông này qua đi, các kho dự trữ sẽ ở mức khá thấp và Đức sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong năm tới so với năm nay để nạp đầy các bể chứa mà không có dòng khí đốt đáng kể của Nga, đặc biệt là nếu nhu cầu từ Trung Quốc tăng trở lại, mua nhiều khí lỏng hơn từ thị trường toàn cầu".

Nhà kinh tế học Dirk Schumacher của Natixis nhận định: "Không chỉ là chi phí năng lượng đang tăng cao mà việc phi toàn cầu hóa và tách rời khỏi Trung Quốc có thể vẫn là một 'cơn gió ngược' trong nhiều năm tới. Nền kinh tế Đức có thể sẽ trải qua nhiều năm hoạt động kém hiệu quả so với nhiều quốc gia cùng ngành ở châu Âu vì nó phải tự tái tạo lại chính mình".

Chia sẻ Facebook