Ngành công nghệ thông tin có vinh dự mở đường, đi đầu trong đổi mới
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã hoan nghênh Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, cơ quan, hiệp hội, các doanh nghiệp đã cùng nhau tổ chức Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng, việc tổ chức diễn đàn công nghệ số thường niên là hoạt động thiết thực.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, người dân có cuộc sống hòa bình, an toàn, văn hoá và một nền sản xuất hiện đại. Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trong giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam phải tăng trưởng trung bình 7%/năm, từ năm 2031 trở đi phải tăng trưởng trung bình 6,5 - 7%/năm.
Điểm lại tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong hơn 30 năm đổi mới, Phó Thủ tướng cho rằng, những mục tiêu đặt ra không hề đơn giản, đặc biệt là trong hai năm 2020 - 2021, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 cùng các biến động khó lường của kinh tế toàn cầu.
"Chúng ta không duy ý chí, đã bàn rất kỹ nhưng cần những giải pháp rất đặc biệt; đồng thời khơi dậy khát vọng mãnh liệt trong cả xã hội là phải thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, không thể nghèo mãi, từ đó hình thành những sức mạnh, động lực mới. Có thể không mới về vấn đề nhưng mới về cách làm, không mới về vấn đề hay cách làm nhưng có xung lực mạnh mẽ hơn"
Để làm được điều đó, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, có 3 vấn đề cần giải quyết.
Đầu tiên là những vướng mắc từ thể chế phải được tháo gỡ.
Phó Thủ tướng cho rằng, các quy định, thủ tục về dự án đầu tư công nghệ thông tin dù đã tháo gỡ phần nào qua chủ trương thuê dịch vụ công nghệ thông tin nhưng vẫn còn rất phức tạp.
"Nếu không làm mới, không tháo gỡ, không đầu tư thì không thể phát triển được" - Phó Thủ tướng nói nhấn mạnh - "Cần tiếp tục thay đổi bằng khát vọng để tìm ra những điểm đột phá" .
Thứ hai là cần phải tập trung hơn vào nhân lực.
"Câu chuyện trong làng công nghệ thông tin đã nói nhiều nhưng nếu vẫn duy trì những quy định đào tạo như trước đây, chúng ta sẽ không thể đào tạo ra một triệu nhân lực công nghệ thông tin"
Thứ ba là phải tìm ra những mũi nhọn mới, lĩnh vực còn dư địa.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lĩnh vực chuyển đổi số, công nghiệp công nghệ thông tin đang rất được kỳ vọng, được coi là "một trong vài lực lượng lượng quyết định", để đạt mục tiêu phát triển đất nước như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra.
Một số lĩnh vực ở Việt Nam có dư địa phát triển, có thể và cần phải làm tốt hơn nữa có thể kể đến như giáo dục đại học, đào tạo nghề, du lịch, công nghệ thông tin… Riêng trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, doanh thu trong năm 2022 ước tính đạt 135 tỷ USD, xuất khẩu 130 tỷ USD nhưng chủ yếu là phần cứng do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sản xuất, còn phần mềm, dịch vụ, nội dung số chỉ chiếm 5%.
Theo Phó Thủ tướng, khi ra nước ngoài, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện còn phát triển đơn lẻ. Để phát triển, các doanh nghiệp này cần kết nối với nhau thành một đội ngũ, trong đó những doanh nghiệp phát triển lâu năm sẽ là nòng cốt dẫn dắt, kết hợp với các doanh nghiệp công nghệ số mới.
Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua thị trường trong nước. Theo Phó Thủ tướng, một số doanh nghiệp cho rằng trong nước đã hết thị phần, tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường Việt.
"Ngành công nghệ thông tin có vinh dự mở đường, đi đầu trong đổi mới. Đất nước bước sang giải đoạn mới phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, công nghệ thông tin được giao sứ mệnh là một trong vài mũi mở đường. Cộng đồng công nghệ thông tin phải hoàn thành sứ mệnh này, đóng góp thật thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh với mong muốn đất nước độc lập, giữ được chủ quyền, không còn nghèo, người dân được sống trong hoà bình, hạnh phúc hơn"
Đáp lời Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét thay đổi thể chế phù hợp, giúp doanh nghiệp số phát triển. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để phát triển nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.