Ngành chip Trung Quốc: Tiền không phải là giải pháp

Chia sẻ Facebook
07/03/2023 18:55:54

Các công ty sản xuất chip Trung Quốc vẫn đang “mắc kẹt” trước những biện pháp ngày càng cứng rắn của Mỹ nhằm kiểm soát quốc gia châu Á trong cuộc đua công nghệ.

Chính phủ Trung Quốc đã tung ra gói hỗ trợ trị giá hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (143 tỷ USD) dành cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm trợ cấp mua thiết bị sản xuất chip được sản xuất trong nước. Động thái này được cho là sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất như tập đoàn Thiết bị Điện tử Vi mô Thượng Hải (SMEE), doanh nghiệp in thạch bản duy nhất của nước này.

Khoản chi khổng lồ này nhằm mục tiêu đáp trả việc Mỹ ngày càng siết chặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip do lo ngại Trung Quốc sẽ ứng dụng những công nghệ này vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sử dụng cho quân đội. Tuy nhiên, chỉ riêng tiền thôi thì không đủ để Trung Quốc đuổi kịp các đối thủ phương Tây đi trước nhiều thế hệ.

SMEE và các công ty trong ngành ở Trung Quốc chủ yếu bán sản phẩm cho các xưởng đúc chip nội địa, và việc thiếu tiếp xúc với các cơ sở sản xuất chip tiên tiến như TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) hay Samsung (Hàn Quốc) khiến những người theo dõi thị trường tin rằng Trung Quốc khó có thể tự mình giải quyết các vấn đề kỹ thuật và đạt được bước tiến mới trong việc nghiên cứu để đưa vào sản xuất hàng loạt, đồng thời cũng hạn chế nước này học hỏi thêm các thủ thuật thương mại.


Vấn đề nan giải

Theo những người từng làm việc tại SMEE và các công ty Trung Quốc khác trong các lĩnh vực bán dẫn, họ không gặp quá nhiều rào cản cho đến khi chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên hoàn thiện hơn, kỹ thuật phức tạp hơn, và đặc biệt là sau khi những gã khổng lồ công nghệ như công ty in thạch bản Hà Lan ASML chiếm lĩnh thị trường.

Quản lý cấp cao tại SMEE, vì không có kinh nghiệm in thạch bản, đã cùng với đội ngũ của mình chế tạo những chiếc máy đầu tiên bằng cách mua lại và nghiên cứu các thiết bị cũ, đồng thời đọc các bằng sáng chế và giấy tờ được công khai, một cựu kỹ sư của SMEE cho biết.

Một nhân viên của tập đoàn Thiết bị Điện tử Vi mô Thượng Hải (SMEE) đang giới thiệu mô hình máy scan cho khách tham quan. SMEE là doanh nghiệp in thạch bản duy nhất của Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Giờ đây, công ty đã có thể sản xuất một cỗ máy có thể in các mẫu mạch nhỏ tới 90 nanomet trên các tấm silicon. Công nghệ này vẫn chậm hơn 2 thập kỷ so với ASML, nhưng nó vẫn được ca ngợi là một bước đột phá ở Trung Quốc và mang về một giải thưởng từ chính quyền địa phương vào năm 2018.

Mặc dù vậy, SMEE đã không đạt được bất kỳ tiến bộ lớn nào kể từ đó, một phần do khó khăn trong việc mua thiết bị từ nước ngoài. “Kể cả khi chúng tôi có thể chế tạo máy móc, chúng tôi cũng không biết cách bảo dưỡng và bảo trì chúng”, một cựu kỹ sư của SMEE khẳng định.

Trong khi đó, một cựu nhân viên cấp cao khác của một công ty sản xuất thiết bị bán dẫn của Trung Quốc kể lại rằng, trong quá trình làm quen với quy trình khắc chip 3D NAND Flash, công ty của ông không thể đảm bảo được kích thước của các lỗ nhỏ trên con chip, vốn là một yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình này.

“Chúng tôi biết cần phải làm thế nào, nhưng điều kiện máy móc của chúng tôi không cho phép. Nhưng đối thủ của chúng tôi tại Mỹ đã giải quyết được vấn đề đó”, vị nhân viên này cho biết.


“Tìm lối đi riêng”

Một số người trong ngành công nghiệp bán dẫn đã kêu gọi các công ty Trung Quốc tập trung vào tương lai của ngành sản xuất chip thay vì cố gắng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài bằng cách phức tạp hóa sản phẩm của mình.

Cuối tháng trước, 2 học giả cao cấp của Viện Khoa học Trung Quốc đã xuất bản một bài báo ủng hộ việc tái tập trung nỗ lực vào nghiên cứu và phát triển công nghệ và vật liệu mới, thay vì mô phỏng công nghệ hiện có từ nước ngoài.

Theo 2 học giả này, việc nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu, linh kiện và quy trình sản xuất mang tính đột phá sẽ giúp các công ty sản xuất chip Trung Quốc xây dựng danh mục bằng sáng chế bao gồm công nghệ quan trọng – loại thiết bị và kỹ thuật thiết yếu mà Mỹ hiện đang sử dụng làm vũ khí chống lại Trung Quốc.

Điều này sẽ thúc đẩy tham vọng bán dẫn của Trung Quốc, đồng thời tiếp thêm sức mạnh để quốc gia này đẩy lùi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Việc Mỹ thắt chặt kiểm soát khiến các nhà sản xuất chip Trung Quốc buộc phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nội địa kém tiên tiến hơn so với các nước khác. Ảnh: Japan Times


Mỹ đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghệ của Trung Quốc, bao gồm việc đưa các công ty hàng đầu quốc gia châu Á như SMIC và Huawei vào danh sách đen. Các quy tắc bổ sung được áp đặt trong năm qua cũng đã cấm các nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới như TSMC sản xuất silicon tiên tiến cho các nhà thiết kế Trung Quốc.

Washington cũng được cho là đã đạt được thỏa thuận với Hà Lan và Nhật Bản nhằm hạn chế xuất khẩu một số máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, hạn chế hơn nữa khả năng phát triển công nghệ của quốc gia này.


“Khi các lệnh trừng phạt được đưa ra, tất cả các công ty Mỹ đều tuân theo. Trước đây, chúng tôi còn nhận được dịch vụ khách hàng khi mua thiết bị, nhưng bây giờ thì các dịch vụ đó không còn nữa, chỉ vì các biện pháp hạn chế của Mỹ”, một kỹ sư tại một nhà sản xuất chip bộ nhớ Trung Quốc cho biết .


Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, Bloomberg)

Chia sẻ Facebook