Ngành chăn nuôi Việt Nam "lép vế" trước các doanh nghiệp nước ngoài
Trong khi số lượng nông hộ chăn nuôi giảm mạnh do thua lỗ trong thời gian qua, thì các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) vẫn đang mở rộng chăn nuôi tại Việt Nam, và hiện đã chiếm áp đảo về sản lượng lợn thịt, gà thịt xuất chuồng…
Ngành chăn nuôi Việt Nam "lép vế" trước các doanh nghiệp nước ngoài
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị “Phát triển chăn nuôi cuối năm 2022 và thúc đẩy đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị”, vào ngày 23/9/2022.
THĂNG HOA TRONG THU HÚT ĐẦU TƯ FDI
Trong 9 tháng năm 2022, ngành chăn nuôi vẫn phát triển dù đối diện nhiều khó khăn khi giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi vẫn diễn ra tại một số địa phương.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết đến tháng 8/2022, tổng đàn lợn trên cả nước khoảng 28,7 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi cả nước trong 8 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,94 triệu tấn. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 350 nghìn tấn/tháng.
"Đầu tư FDI vào ngành nông lâm ngư nghiệp đến hết tháng 8/2022: ngành trồng trọt có số dự án nhiều nhất với 114 dự án FDI, tiếp theo là thủy sản có 82 dự án, chăn nuôi có 81 dự án, dịch vụ nông nghiệp tổng hợp có 17 dự án. lâm nghiệp có 16 dự án..." Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Trong khi đó, đàn gia cầm đạt khoảng 530 triệu con, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1,35 triệu tấn, sản lượng trứng gần 12,3 tỷ quả. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt trên 160 nghìn tấn/tháng và sản lượng trứng ước khoảng 1,53 tỷ quả/tháng.
Số liệu thống kê cho thấy, đến nay đàn bò ước đạt gần 6,42 triệu con, trong đó đàn bò sữa trên 339 nghìn con. Sản lượng thịt bò hơi ước đạt 324 nghìn tấn, sản lượng sữa bò tươi ước đạt gần 786 nghìn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt trong ngành chế thịt và sản phẩm chăn nuôi, Tập đoàn De Heus đầu tư xây dựng mà máy thứ 2 tại tỉnh Tây Ninh, quy mô vốn khoảng 1.000 tỷ đồng; Masan chuẩn bị đầu tư nhà máy chế biến thứ 2 tại Long An; CP cũng đã khánh thành tổ hợp nhà máy chế biến thịt tại Bình Phước với vốn đầu tư trên 250 triệu USD có quy mô hiện đại và lớn nhất khu vực Đông Nam Á nhằm xuất khẩu thịt.
Japfa công bố sẽ xây tổ hợp khép kín đầu tư hơn 200 triệu USD tại Bình Phước sau khi họ đã vững chân trong mảng thức ăn chăn nuôi và trang trại. Các tập đoàn, Công ty như CP, Greenfeed, Japfa, New Hope, Emivest... đã và đang có những dự án đầu tư với số lượng vốn rất lớn vào hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi.
Đặc biệt, Công ty CP xuất bán mỗi năm hơn 5 triệu con lợn thịt, hơn 200 triệu quả trứng và hơn 80 ngàn tấn gà thịt, chiếm 19,5% tổng sản lượng lợn thịt và 4% tổng sản lượng thịt gà của cả nước Việt Nam.
So với tổng đàn lợn cả nước khoảng 26,17 triệu con, ước tính cứ 5 con lợn bán ra thị trường có một con lợn đóng mộc C.P. Với 16 nhà máy thức ăn chăn nuôi hiện đại đã được CP đầu tư tại Việt Nam, sản lượng thức ăn chăn nuôi của CP cũng chiếm 25% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam,
“Năm 2020-2022 là giai đoạn khó khăn đối với ngành chăn nuôi Việt Nam, nhưng cũng chính là giai đoạn đặc biệt thăng hoa với ngành ở lĩnh vực thu hút đầu tư FDI, với mức lớn chưa từng có trong ngành”, ông Chinh nói.
AN TOÀN SINH HỌC LÀ CỐT LÕI
Theo Cục Chăn nuôi, sau gần 2 năm giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phi mã vượt quá sức chịu đựng của ngành chăn nuôi, thì đến thời điểm này giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm dần. Cụ thể, thời điểm tháng 8/2022 giá ngô giảm 20,6%, khô dầu đỗ tương giảm 16,0%, cám gạo chiết ly giảm 20,3% so với tháng 3/2022.
Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn so với tháng 8/2021 và hiện giá thức ăn thành phẩm tháng 8 chưa giảm nhiều do doanh nghiệp vẫn đang sử dụng giá nguyên liệu cao được nhập ở các tháng trước đó.
Cùng với đó, giá xăng dầu đã được khống chế, nên chăn nuôi những tháng cuối năm sẽ thuận lợi. Theo kế hoạch, năm 2022 ngành chăn nuôi sẽ tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi khoảng 5-6% so với năm 2021 với sản lượng thịt các loại ước đạt 6,98 triệu tấn. Trong đó thịt lợn đạt trên 4,3 triệu tấn, thịt gia cầm đạt trên 2 triệu tấn, sản lượng trứng ước đạt trên 18,4 tỷ quả (tăng 4,6%), sản lượng sữa khoảng trên 1,16 triệu tấn (tăng 8,3%).
"Trong năm 2023, ngành chăn nuôi tiếp tục tăng giá trị sản xuất từ 5,5-6,0% so với năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, sản lượng trứng các loại khoảng 19,1 tỷ quả và 1,25 triệu tấn sữa, 60 nghìn tấn mật ong". Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi. |
Để đạt được mục tiêu, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi cả nước cần tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ về chọn, tạo giống, chế biến thức ăn, công nghệ chuồng trại để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để xử lý và tận dụng hiệu quả chất thải và cải tạo môi trường chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi cho rằng cần chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ trong giết mổ, chế biến và xúc tiến thương mại tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời triển khai xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn, chăn nuôi theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi. Triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; phát triển mô hình hợp tác xã chăn nuôi trong xây dựng các chuỗi liên kết; phát triển mô hình chăn nuôi hữu cơ, mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi...
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Phải xác định an toàn sinh học là yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, phải thực hiện các biện pháp để đảm an toàn dịch bệnh. Thời gian tới, ngành chăn nuôi cũng phát triển các chuỗi sản phẩm theo tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Thứ trưởng cho rằng ngành cũng cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực hiện tốt các đề án. Ngành chăn nuôi cần tập trung giải quyết vấn đề về giống, chủ động về thức ăn chăn nuôi và cải thiện môi trường chăn nuôi.
Đồng thời đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến với các giải pháp đồng bộ. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Ngành chăn nuôi cũng cần áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đặc biệt thúc đẩy chuyển đổi số để đảm bảo sự phát triển.
Chương Phượng
VnEconomy