Ngành chăn nuôi phục hồi, cơ hội và những dự báo
Trong tháng 5/2023, ngành chăn nuôi phục hồi trở lại nhờ giá thịt lợn quay đầu tăng mạnh; ngành thủy sản đã lấy lại được đà tăng trưởng.
Ngành chăn nuôi đóng một vai trò quan trọng nhưng còn gặp khó khăn
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng 5/2023, ngành nông nghiệp phát triển ổn định; trong đó có một số lĩnh vực đang phục hồi và tăng trưởng trở lại như: Chăn nuôi, thủy sản...
Báo Nhân Dân dẫn nguồn báo cáo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thuỷ cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn từ năm 2018 - 2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm.
Trong quý I/2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Các tháng đầu năm 2023, giá gà trắng có sự chênh lệch giữa các miền trong cả nước, dao động từ 17.000-35.000 đồng/kg thịt hơi, giá gà miền Bắc cao hơn miền Trung và miền Nam và tuỳ thời điểm và vùng miền.
Giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp không có chênh lệch giữa các miền. Trong tháng 1/2023, giá duy trì 39.000-43.000 đồng/kg, đến tháng 2 giảm xuống còn 33.000 đồng/kg và tăng lên 38.000 đồng/kg trong tháng 3; sau đó giảm còn 26.000-32.000 đồng/kg trong tháng 4.
Giá thịt vịt hơi khu vực Nam Bộ bình quân tháng 3 là 42.100-43.900 đồng/kg (tăng bình quân 19% tương ứng 6.800-7.000 đồng/kg); sang tháng 4, giá tăng 7.000-9.000 đồng/kg so với tháng 3. Trong các tháng đầu năm 2023, giá trứng gà dao động từ 1.750-2.200 đồng/quả; trứng vịt 2.200-2.400 đồng/quả.
Thông số liệu trên Tổ Quốc , ngành chăn nuôi ở Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp quốc gia, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và việc làm. Chăn nuôi chiếm khoảng một phần tư GDP của ngành nông nghiệp và ghi nhận mức tăng trưởng ổn định hàng năm từ 4 đến 6%.
Chính phủ đã đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng ngành từ 4% đến 5% mỗi năm cho đến năm 2025 và tăng trưởng từ 3% đến 4% từ năm 2026 - năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, ngành chăn nuôi Việt Nam đang bắt đầu chuyển hướng từ chăn nuôi hộ gia đình quy mô nhỏ sang chế biến công nghiệp hiện đại, quy mô lớn. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị ngày càng phổ biến trong ngành chăn nuôi.
Những khó khăn đối với ngành nông nghiệp phải kể đến chi phí sản xuất tăng. Theo Hiệp hội nông lương thế giới FAO, giá lúa mì và ngô đã tăng hơn 38% so với mức của năm 2021, trước khi diễn ra xung đột Nga - Ukraine.
Do chăn nuôi của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi như ngô, lúa mì và ngũ cốc, nên việc tăng giá các nguyên liệu này đã khiến chi phí sản xuất tăng cao.
Một thách thức trước hết là nguy cơ thiên tai, bao gồm lũ lụt, bão và hạn hán. Ngoài việc gây nguy hiểm cho sức khỏe của vật nuôi, những hiện tượng thời tiết cực đoan này còn có tác động bất lợi đến hoạt động hậu cần và sản xuất nguyên liệu thô. Ngành chăn nuôi Việt Nam cũng từng bị ảnh hưởng từ các bệnh truyền nhiễm. Trong những năm gần đây, ngành thịt lợn của Việt Nam đã chịu nhiều thiệt hại từ Dịch tả lợn châu Phi (ASF), dẫn đến đàn lợn giảm mạnh và nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong nước giảm.
Đặc biệt, một yếu tố lớn khác là sự gia tăng cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu. Hiện thịt và các sản phẩm chăn nuôi khác nhập khẩu đang trở nên phổ biến hơn, rẻ và người tiêu dùng Việt có thể tiếp cận ở cả chợ truyền thống và kênh thương mại điện tử. Nhờ hiệu lực của nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), đặc biệt là CPTPP và EVFTA, các sản phẩm chăn nuôi từ nhiều quốc gia, trong đó có Australia và Canada giờ đây đã thâm nhập thị trường Việt Nam dễ dàng hơn.
Trước đó trao đổi với báo Quân Đội Nhân Dân, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, trong 3 năm qua giá bán gia cầm thường xuyên dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi gặp khó khăn, thua lỗ. Một trong những nguyên nhân khiến giá gia cầm có giá bán thấp là do nhu cầu của thị trường giảm. Trong khi đó, nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp - đầu vào của sản xuất chăn nuôi luôn duy trì mức giá cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi khi chi phí, giá thành sản xuất chăn nuôi tăng cao.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đại biểu phát biểu đóng góp những ý kiến thẳng thắn để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết. Đối với những vấn đề vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để sớm tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm. Bởi chăn nuôi gia cầm giữ vai trò quan trọng đối với ngành chăn nuôi, góp phần bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Cơ hội hay thách thức của ngành chăn nuôi trong tình hình mới?
Dù có một số khó khăn, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tiên là xu hướng phát triển công nghệ nông nghiệp. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Phần Lan và Hà Lan.
Nhiều doanh nghiệp Việt đã hợp tác với các tập đoàn và tổ chức nước ngoài về chuyển giao công nghệ, đầu tư, đào tạo và phát triển sản phẩm. Một số cơ hội tiềm năng nhất là nông nghiệp thông minh, ứng dụng chuỗi khối, phát triển máy móc và phần mềm, di truyền học và nhân giống.
Điển hình, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với chính quyền tỉnh Kon Tum để tạo điều kiện khảo sát, nghiên cứu và đầu tư nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.
Thị trường Việt Nam cũng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm cao cấp và hữu cơ. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện đang phát triển nhanh thứ bảy trên thế giới và đến năm 2030, dự đoán tầng lớp trung lưu sẽ tăng thêm 36 triệu người. Khi thu nhập tăng lên và sở thích về chế độ ăn uống thay đổi, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chất lượng cao hơn, tốt cho sức khỏe hơn và bền vững hơn đang tăng lên.
Cùng với xu hướng ăn uống lành mạnh hơn, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến thực phẩm có nguồn gốc đáng tin cậy và bền vững. Nhiều khách hàng cho biết họ sẵn sàng bỏ thêm chi phí để mua các sản phẩm tốt cho sức khỏe, tự nhiên và tươi ngon. Xu hướng này đã dẫn đến sự ra đời của nhiều sản phẩm độc đáo như "heo tươi ăn chuối" nhãn hiệu Bapi HAG, "thịt chay" nhãn hiệu BaF Meat, hay "thịt lợn ăn thảo mộc" nhãn hiệu SagriFood.
Một yếu tố khác nữa là ngành F&B đang bùng nổ ở Việt Nam. Theo báo cáo Thị trường dịch vụ ăn uống tại Việt Nam của Mordor Intelligence, ngành F&B đã có sự phục hồi đáng kể sau đại dịch COVID-19, đạt doanh thu 24.288 triệu USD vào năm 2022. Đây không phải là con số mang tính nhất thời và sự tăng trưởng của ngành dịch vụ ăn uống ở Việt Nam có thể sẽ được duy trì bền vững nhờ vào lối sống đang thay đổi của giới trẻ, người dân ngày càng giàu có và hiện đại.
Sự phát triển của ngành F&B ở Việt Nam sẽ kéo theo nhu cầu đối với các sản phẩm chăn nuôi tăng đáng kể. Do đó, các nhà đầu tư nên nắm bắt cơ hội này để gia tăng lượng tiêu thụ của khách hàng và mở rộng thị phần.
Thông tin trên báo Chính phủ, bối cảnh thị trường chăn nuôi bước vào đầu năm nay vẫn đang khá mù mịt. Tự chủ nguyên liệu đầu vào vẫn là mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng tới để phát triển bền vững. Tuy nhiên, những biện pháp ngắn hạn như tìm nguồn cung thay thế rẻ hơn hay thay đổi thành phần trong thức ăn để ứng phó với tình hình hiện tại sẽ là ưu tiên. Bên cạnh đó, triển vọng giá nông sản thế giới trong năm 2023 cũng nên được các doanh nghiệp theo dõi để đưa ra chiến lược mua hàng hợp lý.
Theo dữ liệu từ MXV, giá ngô và đậu tương thế giới đang duy trì ở mức cao do đà tăng từ cuối năm ngoái, được thúc đẩy bởi tình hình hạn hán nghiêm trọng tại Argentina. Dự báo sản lượng đậu tương của nước này trong niên vụ 2022/23 đã bị Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cắt giảm tới 8,5 triệu tấn so với mức kỳ vọng 49,5 triệu tấn được đưa ra vào đầu niên vụ.
Tuy nhiên, tính cả 3 quốc gia sản xuất lớn ở Nam Mỹ gồm Brazil, Argentina và Paraguay thì tổng sản lượng đậu tương đạt mức 204 triệu tấn, tăng 14,8% so với năm ngoái. Trong thời gian tới, trọng tâm của thị trường nông sản sẽ dần chuyển sang mùa vụ sắp được gieo trồng tại Mỹ.
Bên cạnh triển vọng cung cầu, các động thái điều chỉnh lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và tình trạng lạm phát dai dẳng cũng đẩy kỳ vọng về tỉ giá đồng USD sẽ tăng lên. Điều này sẽ là rủi ro đối với hoạt động nhập khẩu nông sản.
Ngoài ra, triển vọng kinh tế toàn cầu hay cụ thể hơn là khả năng tiêu thụ có hồi phục nhanh chóng hay không của Trung Quốc sau khi mở cửa sẽ quyết định đến giá thành phẩm ngành chăn nuôi...
Trúc Chi (t/h)