Ngành AI của Trung Quốc hầu như không bị ảnh hưởng bởi Mỹ
Bất chấp nhiều nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm cấm vận công nghệ cao nhắm vào Trung Quốc, nước này hầu như không bị ảnh hưởng.
Bất chấp nhiều nỗ lực của Mỹ và đồng minh trong một năm qua nhằm cấm vận công nghệ cao nhắm vào Trung Quốc với kỳ vọng đóng băng các ngành mũi nhọn như siêu máy tính, vũ khí hạt nhân và trí tuệ nhân tạo (AI), nước này hầu như không bị ảnh hưởng, theo báo cáo hôm thứ Tư của Reuters .
Một năm qua, Hoa Kỳ đã có những nỗ lực ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các sản phẩm chip công nghệ mới nhất trên phạm vi toàn cầu, như cấm vận sản phẩm cao cấp của Nvidia hay AMD, các sản phẩm liên quan chặt chẽ tới phát triển AI như các bot trò chuyện.
Video của Reuters về
Replika
, một ứng dụng AI mô phỏng quan hệ, thậm chí quan hệ thân mật như bạn tình cùng hò hẹn, có đến hàng triệu người dùng. Cho đến một ngày vào tháng 3 người ta ngừng cung cấp phần quan hệ thân mật này.
Nhưng Nvidia đã tạo ra các biến thể chip của mình có tốc độ được điều chỉnh lại và có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, phù hợp các quy định của Hoa Kỳ. Các chuyên gia trong ngành nói với Reuters rằng sản phẩm mới nhất —Nvidia H800, được công bố vào tháng 3— có thể sẽ mất thời gian lâu hơn từ 10% đến 30% để thực hiện một số tác vụ, dẫn đến tăng thậm chí gấp đôi chi phí đào tạo AI, nếu so với chip nhanh nhất của Nvidia tại Mỹ.
Ngay cả những con chip Nvidia bị chậm lại cũng là một sự cải tiến cho các công ty Trung Quốc. Đó là chưa kể khả năng overclock ‘ẩn’, cho phép chip hoạt động ở tốc độ cao hơn tốc độ ghi trong bảng tính năng được khai báo ở các cơ quan quản lý. Tencent Holdings, một trong những công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, vào tháng 4 đã ước tính rằng các hệ thống sử dụng H800 của Nvidia sẽ giảm hơn một nửa thời gian đào tạo hệ thống AI lớn nhất của họ, từ 11 ngày xuống còn 4 ngày.
“Các công ty AI mà chúng tôi nói chuyện dường như coi chỗ thiếu sót là tương đối nhỏ và có thể kiểm soát được,” theo Charlie Chai, một nhà phân tích của 86Research có trụ sở tại Thượng Hải.
Những trao đổi qua lại giữa chính phủ và ngành công nghiệp thời gian qua cho thấy thách thức đối với chính phủ Hoa Kỳ trong việc làm thế nào vừa muốn tiến độ của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao bị chậm lại, nhưng đồng thời không làm tổn thương các công ty Hoa Kỳ.
Ngoài ra, một phần trong chiến lược của Hoa Kỳ trong việc thiết lập các quy tắc cũng phải tính đến khả năng tránh một cú sốc quá đáng đến người Trung Quốc, từ đó khiến họ lập tức từ bỏ hoàn toàn chip của Mỹ, và tăng nhiều lần nỗ lực phát triển chip của chính họ.
“Cần phải định ra một đường ranh giới ở đâu đó, và dù đường ranh giới đó ở đâu, thì đều gặp phải thách thức là làm thế nào để không gây rối ngay lập tức, nhưng đồng thời làm thế nào để làm suy giảm năng lực của Trung Quốc theo thời gian,”
Các hạn chế xuất khẩu có hai phần. Một là đặt giới hạn cho khả năng tính toán nhanh các con số cực kỳ chính xác của chip. Đó là nhắm vào lĩnh vực phát triển các siêu máy tính mà có thể được sử dụng trong nghiên cứu quân sự. Các nguồn tin trong ngành công nghiệp chip cho biết các biện pháp cấm vận hiện nay là có hiệu quả.
Nhưng mà khả năng tính toán nhanh chóng của chip lại không liên quan gì lớn trong việc phát triển các AI vào giai đoạn này, ví như trong các mô hình ngôn ngữ lớn, thì rõ ràng là người ta quan tâm đến khả năng ngốn thật nhiều các số liệu hơn là khả năng tính toán các con số.
Nvidia đang bán H800 cho các công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm Tencent, Alibaba Group Holding Ltd., và Baidu Inc. để sử dụng trong công việc như vậy, mặc dù họ vẫn chưa bắt đầu vận chuyển chip với số lượng lớn.
“Chính phủ không có ý định gây tổn hại đến cạnh tranh hoặc ngành công nghiệp Hoa Kỳ, [do đó] cho phép các công ty Hoa Kỳ cung cấp sản phẩm cho các hoạt động thương mại, chẳng hạn như cung cấp dịch vụ đám mây cho người tiêu dùng,”
Nvidia nói trong một tuyên bố vào tuần trước.
Trung Quốc là một khách hàng quan trọng đối với công nghệ của Hoa Kỳ, cũng theo Nvidia. Hãng cho biết họ tung ra các sản phẩm nhắm vào 2 thị trường này, vừa đáp ứng yêu cầu của thị trường và vừa phù hợp theo giới hạn của các lệnh cấm vận công nghệ.
“Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tháng 10 yêu cầu chúng tôi tạo ra các sản phẩm có khoảng cách ngày càng lớn giữa hai thị trường,”
Nvidia cho biết vào tuần trước.
“Chúng tôi tuân thủ quy định trong khi cung cấp các sản phẩm cạnh tranh nhất có thể ở mỗi thị trường.”
Bill Dally, nhà khoa học chính của Nvidia, cho biết trong một tuyên bố riêng trong tuần này rằng “khoảng cách này sẽ tăng nhanh theo thời gian khi các yêu cầu đào tạo tiếp tục tăng gấp đôi sau mỗi 6 đến 12 tháng.”
Người phát ngôn của Cục Công nghiệp và An ninh, bộ phận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ giám sát các quy tắc, đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Giới hạn thứ hai trong cấm vận của Hoa Kỳ là tốc độ truyền giữa các chip, và điều này ảnh hưởng đến AI. Các chương trình AI hiển nhiên sẽ hoạt động hiệu quả ở các máy tính có nhiều chip CPU chạy song song, và trong trường hợp đó, công nghệ nâng cao tốc độ truyền số liệu giữa các con chip là rất quan trọng.
Nvidia chưa tiết lộ chi tiết hiệu suất của chip H800 chỉ dành cho Trung Quốc, nhưng một bảng thông số kỹ thuật mà Reuters đã xem cho thấy tốc độ giữa các chip là 400 gigabyte mỗi giây, thấp hơn một nửa so với tốc độ tối đa 900 gigabyte mỗi giây của chip H100 hàng đầu của Nvidia cung cấp cho thị trường bên ngoài Trung Quốc.
Một số người trong ngành công nghiệp AI tin rằng tốc độ tuy giảm rồi nhưng vẫn còn nhiều. Naveen Rao, giám đốc điều hành của một công ty khởi nghiệp có tên là MosaicML chuyên hỗ trợ các mô hình AI chạy tốt hơn trên phần cứng bị hạn chế, ước tính hệ thống sẽ bị chậm từ 10% đến 30%.
“Có nhiều cách để vượt qua tất cả những điều này bằng thuật toán,” ông nói. “Tôi không thấy đây là một giới hạn duy trì trong một thời gian rất dài, ví như 10 năm.”
Dùng tiền có thể bù đắp thiếu sót. Giả thuyết rằng một con chip ở Trung Quốc dù phải mất gấp đôi thời gian để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo AI so với một con chip nhanh hơn của Mỹ, nhưng mà rốt cuộc nó vẫn có thể hoàn thành công việc.
“Tại thời điểm đó, phải chi 20 triệu đô la thay vì 10 triệu đô la để đào tạo [AI],” một nguồn tin trong ngành yêu cầu giấu tên vì các thỏa thuận với các đối tác cho biết. “Điều đó có tệ không? Có tệ.”
“Nhưng điều đó có nghĩa là Alibaba hay Baidu không thể vượt qua? Không, đó không phải là vấn đề [với những hãng như thế].”
Hơn nữa, các nhà nghiên cứu AI đang cố gắng giảm bớt độ cồng kềnh của các hệ thống AI mà họ từng xây dựng, để cắt giảm chi phí đào tạo AI. Các thuật toán đào tạo đang được cải thiện rất nhanh và sẽ tốn ít chi phí hơn. Những thứ đó sẽ giảm yêu cầu chip hơn, giảm giao tiếp giữa chip với chip.
Rốt cuộc, nó làm giảm hiệu quả của các lệnh cấm vận của Hoa Kỳ.
Cade Daniel, kỹ sư phần mềm tại Anyscale, một công ty khởi nghiệp ở San Francisco cung cấp phần mềm giúp các công ty thực hiện công việc AI, cho biết hai năm trước, ngành công nghiệp đã nghĩ rằng các mô hình AI sẽ ngày càng lớn hơn.
“Nếu điều đó vẫn còn đúng cho đến ngày nay, thì việc hạn chế xuất khẩu này sẽ có nhiều tác động hơn,” Daniel nói. “Hạn chế xuất khẩu này là đáng chú ý, nhưng nó không hoàn toàn tàn phá như nó có thể xảy ra.”
Nhật Tân
Công nghệ AI mới có thể chuyển đổi suy nghĩ của con người thành văn bản
Mới đây, các nhà khoa học đã phát triển một hệ thống AI có khả năng đọc được suy nghĩ của con người và chuyển đổi chúng thành văn bản.