Ngang nhiên xẻ núi, băm đồi phân lô bán nền ở Lâm Đồng: Bài 2 – Lời hứa “sẽ kiểm tra” của cơ quan chức năng, bao giờ được thực thi?
Dù khẳng định trên địa bàn không có dự án bất động sản nào được cấp phép xây dựng, nhưng chính quyền nhiều địa phương tại tỉnh Lâm Đồng lại không thể xử lý dứt điểm.
Cấp xã không quản lý được
Như Người Đưa Tin đã thông tin về dự án The Tropicana Garden 2 tọa lạc tại xã B’lá, huyện Bảo Lâm vẫn tiếp tục thi công xây dựng, bất chấp văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động xây dựng của UBND tỉnh Lâm Đồng, khi được hỏi lý do vì sao không xử lý sai phạm trên, ông Phùng Văn Bình – Chủ tịch UBND xã B’lá, huyện Bảo Lâm cho biết: “Mặc dù có chỉ đạo dừng của ông Phạm S - Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng nhưng hiện tại, là cấp xã chúng tôi không quản lý được, bởi vì đất đó là đất ở nên họ xây theo quy hoạch nông thôn mới. Chúng tôi không có căn cứ, không đủ thẩm quyền để xử lý”.
Đem thắc mắc vì sao không xử lý dứt điểm tình trạng cố tình xây dựng tại The Tropicana Garden 2, trái chỉ đạo tạm dừng của UBND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm lại tiếp tục “bài cũ”, hứa sẽ cử đoàn kiểm tra xuống xác mình, chấn chỉnh vấn đề trên.
Chuyện lạ là cứ sau mỗi lần hứa kiểm tra, chấn chỉnh của lãnh đạo xã B’lá và huyện Bảo Lâm thì số căn nhà trong dự án The Tropicana Garden 2 lại liên tục mọc lên?!
Theo các chuyên gia bất động sản , nếu câu chuyện dự án The Tropicana Garden 2 không được chính quyền các cấp tỉnh Lâm Đồng xử lý dứt điểm và triệt để, thì rất dễ dẫn đến tiền lệ xấu về việc cố tình sai phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch xây dựng cũng như thói quen của cá nhân, doanh nghiệp phớt lờ các chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh này.
Trao đổi với Người Đưa Tin về pháp lý của dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Palm Garden tại xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm đang được rao bán, ông Lê Văn Tuế - Chủ tịch UBND xã Lộc Quảng khẳng định: “Hiện nay, trên địa bàn không có dự án bất động sản nào, vì vậy nên càng không có dự án nào mang tên Khu biệt thự nghỉ dưỡng Palm Garden hay Aurora Cty”.
Chủ tịch UBND xã Lộc Quảng nhấn mạnh: "Sau khi chúng tôi nhận được thông tin, đã chỉ đạo cán bộ địa chính của UBND xã kiểm tra, đã yêu cầu đơn vị thi công tháo dỡ panô quảng cáo trên khu đất được gọi là dự án Palm Garden tại thôn 7, đồng thời rà soát và có biện pháp cảnh báo đến người dân và nhà đầu tư".
Tương tự tình trạng trên, tại địa xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) cũng đang xảy ra thực trạng, nhiều dự án đã hình thành và đang ngang nhiên san ủi mặt bằng. Các dự án đã hình thành thì đang được rao bán rầm rộ, như dự án Phome, chủ đầu tư là Amavi Land.
Tại đây, khi được hỏi về các dự án này, một cán bộ địa chính xã cũng trả lời: “Hiện tại trên địa bàn không có dự án nào hết, còn việc các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang san gạt mặt bằng thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra”.
Cấp tỉnh liên tục ra văn bản
Liên quan đến san ủi đồi, hiến đất làm đường, hình thành các dự án trái phép, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng ra thông báo kết luận của Chủ tịch tỉnh Trần Văn Hiệp, yêu cầu Huyện ủy, UBND huyện Bảo Lâm siết chặt công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai; chấn chỉnh, xử lý nghiêm, dứt điểm việc hiến đất làm đường, tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái quy định. Đồng thời, nhanh chóng khắc phục triệt để và xử lý dứt điểm tình trạng phân lô, bán nền trái quy định.
Liên quan đến việc “phân lô, tách thửa”, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Văn bản số 7163/UBND-ĐC ngày 22/9/2022, gửi các sở ngành, huyện, thành phố về việc triển khai thực hiện Nghị định 02/2002/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ, đảm bảo việc phân lô, tách thửa, chuyển nhượng trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy định về kinh doanh BĐS.
Văn bản số 7163/UBND-ĐC do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S ký, nêu rõ: Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hiến đất làm đường, phân lô, tách thửa nhằm mục đích kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo các điều kiện: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. Đây cũng là yêu cầu được UBND tỉnh đặt ra trong Văn bản số 4911/UBND-ĐC ban hành ngày 05/7 vừa qua.
Dự án đầu tư kinh doanh bất động sản phải đảm bảo phù hợp với Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở được UBND tỉnh phê duyệt.
Việc hình thành các tuyến đường giao thông tại khu vực hiến đất làm đường phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định hiện hành có liên quan và phải được cấp phép xây dựng theo quy định.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện đảm bảo hiệu lực, hiệu quả Nghị định số 02/2002/NĐCP và các quy định về kinh doanh bất động sản; Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế.
Sở Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý việc phân lô, tách thửa trên địa bàn tỉnh; việc phân lô, tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất vừa phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, vừa phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng nhằm khắc phục triệt để tình trạng “phân lô, bán nền” không phù hợp giữa các quy hoạch trong thời gian vừa qua.
(Còn nữa)