Ngân hàng TW Nga không muốn tiếp quản chi nhánh các ngân hàng ngoại
Các cơ quan quản lý Nga đang xem xét kế hoạch chuyển giao hoạt động quản lý các ngân hàng thuộc sở hữu nước ngoài cho các ngân hàng Nga, nhưng vẫn giữ quyền sở hữu cho công ty mẹ.
Ngân hàng TW Nga không muốn tiếp quản chi nhánh các ngân hàng ngoại
Các nguồn thạo tin cho biết Ngân hàng trung ương Nga đang từ chối những lời kêu gọi tiếp quản việc vận hành các chi nhánh tại Nga của các ngân hàng nước ngoài, một phần vì lo ngại rằng việc này có thể khiến người gửi tiền rút tiền.
Ngân hàng trung ương Nga đang chịu sức ép ngày càng gia tăng từ giới chức và các doanh nghiệp nước này sau khi các chi nhánh thuộc sở hữu của các ngân hàng phương Tây ngừng hoạt động cho vay do các lệnh trừng phạt với Nga. Điều này đã gây phẫn nộ cho người tiêu dùng Nga vốn đang vật lộn với suy thoái kinh tế và lạm phát tăng cao.
Các lời kêu gọi có sự quản lý bên ngoài đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đồng thời vẫn giữ quyền sở hữu cho công ty mẹ đã nhận được tự ủng hộ của ông Andrei Kostin, Giám đốc điều hành ngân hàng VTB , ngân hàng lớn thứ hai của Nga và thuộc quyền kiểm soát của nhà nước.
Giới chuyên gia cho rằng việc không để các ngân hàng phương Tây quản lý các chi nhánh tại Nga nhưng vẫn giữ quyền sở hữu của họ có thể khiến các ngân hàng này vẫn liên quan đến bất kỳ động thái nào vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế của các chi nhánh tại Nga.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết hiện tại Ngân hàng trung ương Nga đang phản đối kế hoạch này vì lo ngại khả năng người gửi tiền rút tiền.
Theo số liệu mới nhất, các ngân hàng nước ngoài chiếm 11% tổng số vốn ngân hàng tại Nga tính đến cuối năm 2021. Raiffeisen, UniCredit và Citi, ba chi nhanh lớn nhất của các ngân hàng phương Tây, đã nắm giữ khối tài sản trị giá 3.500 tỷ ruble (60 tỷ USD ), so với 38.000 tỷ ruble của ngân hàng hàng đầu của Nga là Sberbank.
Số tiền gửi cá nhân tại ba chi nhánh ngân hàng này là 264 tỷ ruble, trong khi con số này của Sberbank là gần 10.000 tỷ ruble, theo số liệu của Interfax./.
Khánh Ly
Vietnam+