Ngân hàng tuần qua: Nhiều nhà băng tăng lãi suất huy động lên 10%, giá USD tự do mất mốc 25.000 đồng
Hầu hết ngân hàng tư nhân đều đã đẩy lãi suất huy động niêm yết lên trên 9%/năm. Thậm chí SaigonBank, GPBank, OceanBank còn nâng lãi suất lên vùng 10%.
Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán USD lần thứ 3 trong tháng
Ngày 25/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm giá bán USD từ 24.850 đồng xuống 24.840 đồng. Đây là lần thứ 3 liên tiếp NHNN thực hiện giảm tỷ giá bán USD trong tháng này, 2 lần trước đều giảm 10 đồng mỗi đợt.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng liên tục giảm tỷ giá trung tâm trong thời gian gần đây. Hiện tỷ giá này ở mức 23.669 đồng/USD, giảm 6 đồng so với cuối tuần trước.
Động thái điều chỉnh giảm tỷ giá USD của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sau khi cơ quan này thực hiện 2 đợt tăng mạnh lãi suất điều hành ngày 23/9 và 25/10, mỗi đợt tăng 1%/năm.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD cũng được điều chỉnh giảm, tuy nhiên vẫn bám sát trần quy định của NHNN ở mức 24.852 đồng/USD. Trong khi đó, giá USD chợ đen giảm sâu trong tuần qua xuống dưới mốc 25.000 đồng/USD.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động lên 10%
Cuộc đua huy động tiền gửi vẫn chưa hạ nhiệt khi lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục tăng lên mức cao mới trong tuần qua. Trong đó, mức lãi suất 10%/năm đã xuất hiện trở lại tại một số ngân hàng.
Mới nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) đã công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ ngày 25/11/2022. Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã lên 10,5%/năm, áp dụng cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn 13 tháng. Ngoài ra, khách hàng gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên sẽ có lãi suất 10%/năm.
Tại OceanBank, từ ngày 18/11/2022 – 29/11/2022, ngân hàng này triển khai chương trình “Ngày Vàng gửi tiền, rinh liền lãi Đỉnh”, với mức lãi suất áp dụng lên tới 10%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và 9%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng. Đây là chương trình ưu đãi dành cho các khoản tiền gửi tiết kiệm VND trả lãi cuối kỳ được mở tại quầy.
GPBank cũng áp dụng mức lãi suất cao nhất lên đến 10%/năm dành cho các khoản tiền gửi tại quầy. Cụ thể, mức lãi suất cao nhất được niêm yết là 8,95%/năm áp dụng cho khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế gửi tiền theo kỳ hạn 13 tháng, có 1 sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi hoặc tổng số dư tiền gửi tại GPBank từ 100 triệu đồng trở lên. Đồng thời, khi tham gia gửi tiền tại quầy và đáp ứng đủ một số điều kiện về số dư tối thiểu cũng như là khách hàng hạng vàng, người gửi tiền còn có thể được cộng lãi suất lên đến 1,05%.
Ngoài ba nhà băng nêu trên, hầu hết ngân hàng tư nhân đều đã đẩy lãi suất cao nhất lên trên 9%/năm, trong đó có cả các ngân hàng lớn như Techcombank, VPBank, Sacombank, SCB,....
Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng thêm hơn 100 nghìn tỷ chỉ trong 1 tháng
Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống Tổ chức tín dụng. Sau khi giảm 2 tháng liên tiếp, tiền gửi đã tăng trở lại, thêm hơn 106 nghìn tỷ đồng trong tháng 9.
Cụ thể, tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức kinh tế tăng tăng mạnh thêm gần 105 nghìn tỷ đồng chỉ trong 1 tháng và đạt 5,78 triệu tỷ đồng. Dù vậy, mức tăng này vẫn chưa bù lại được mức sụt giảm hơn 170 nghìn tỷ của 2 tháng trước đó.
Tiền gửi của dân cư vẫn tăng trưởng dương nhưng tốc độ tăng chậm lại đáng kể. Cụ thể, tiền gửi của nhóm khách hàng này cuối tháng 9 đạt 5,63 triệu tỷ đồng, chỉ tăng thêm 1.436 tỷ so với cuối tháng 8. Trước đó, trong tháng 7, tháng 8, tiền gửi dân cư tăng thêm hơn 17.500 tỷ đồng.
Như vậy, dù có diễn biến tích cực hơn nhưng tiền gửi của toàn hệ thống cuối tháng 9 vẫn còn thấp hơn so với mức đỉnh đạt được hồi cuối tháng 6 (hơn 11,46 triệu tỷ đồng).
Tính từ đầu năm đến nay, tiền gửi của toàn hệ thống tăng hơn 475 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 4,33%. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 6,38% trong khi các doanh nghiệp tăng 2,43%.
Vietcombank bất ngờ giảm lãi suất tới 1%/năm cho tất cả các khoản vay VNĐ
Chiều tối ngày 24/11, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phát đi thông tin về việc giảm lãi suất cho vay.
Theo đó, nhà băng này quyết định giảm lãi suất tới 1,0%/năm đối với các khoản vay VNĐ cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai từ 01/11/2022 đến hết 31/12/2022.
Ngân hàng cũng lưu ý, chính sách giảm lãi suất nói trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá….
Vietcombank cho biết đây sẽ là những hành động thiết thực, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Vietcombank trong việc chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, của NHNN, nỗ lực vì mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.
Số lượng cổ phiếu ngân hàng tăng giá chiếm áp đảo
Tuần giao dịch vừa qua (21-25/11) chứng kiến diễn biến khá tích cực tại nhóm cổ phiếu ngân hàng khi có 18/27 mã chứng khoán tăng giá so với cuối tuần trước.
Trong đó, có 2 cổ phiếu tăng trên 10% là BID (11,3%) và STB (10,5%). Các cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là BVB (7,8%), ABB (7%), LPB (6,5%), SHB (5,9%), OCB (5,6%), CTG (4,5%),….
Ở chiều ngược lại, có 8 cổ phiếu giảm giá là NVB (-5,3%), VCB (-4,4%), KLB (-1,8%), EIB (-1,5%), TPB (-1,5%), SSB (-0,7%), VIB (-0,5%), HDB (-0,3%).
Thanh khoản nhóm ngân hàng có xu hướng sụt giảm khi giá trị giao dịch khớp lệnh toàn ngành chỉ đạt 9.300 tỷ đồng, tương đương bình quân khoảng 1.800 tỷ đồng/phiên, trong khi tuần trước đạt 2.600 tỷ đồng/phiên. Trong đó, STB là cổ phiếu duy nhất có thanh khoản đạt trên 2.000 tỷ đồng. Các mã ngân hàng có giá trị giao dịch cao tiếp theo là CTG (hơn 900 tỷ), VPB (hơn 800 tỷ), VPB (hơn 760 tỷ), EIB (hơn 750 tỷ),…