Ngân hàng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm lên trên 8%/năm, USD ngân hàng vượt 24.000 đồng

Chia sẻ Facebook
01/10/2022 12:32:59

Tuần qua cũng chứng kiến diễn biến nóng trên thị trường ngoại hối khi tỷ giá USD/VND ngân hàng đã vượt mức 24.000 đồng, lên cao nhất từ trước đến nay. Trước diễn biến trên, NHNN nâng giá bán USD thêm 225 đồng lên 23.925 VND/USD, tương ứng tăng 3,9% so với hồi đầu năm.


Big4 gia nhập cuộc đua lãi suất

Sau gần một tuần kể từ khi Ngân hàng Nhà nước nâng trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, bốn ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đã chính thức gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động.

Với mức điều chỉnh 0,8-1,3%/năm ở nhiều kỳ hạn, nhóm Big4 là những ngân hàng tăng lãi suất huy động mạnh nhất trong đợt này. Tuy nhiên, so với các nhà băng tư nhân, lãi suất của Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV vẫn thấp hơn đáng kể khi mức cao nhất chỉ là 6,4%, áp dụng cho các kỳ hạn 12 tháng trở lên

Trước đó, các ngân hàng tư nhân đã đồng loạt tăng lãi suất huy động sau khi NHNN nâng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng. Cụ thể, ngay khi quy định mới có hiệu lực vào sáng 23/9, ACB, SHB đã nâng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức tối đa cho phép 5%/năm. Đến 24/9, danh sách này có thêm sự góp mặt của hàng loạt ngân hàng tư nhân lớn khác như Techcombank, VPBank, SCB, HDBank.

Tại các kỳ hạn trên 6 tháng, các nhà băng này cũng tăng lãi suất thêm 0,5-0,7%/năm. Trong đó, lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đều đã vượt mức 7%/năm tại hầu hết ngân hàng tư nhân.


Lãi suất huy động được đẩy lên trên 8%/năm

Cuộc đua tăng lãi suất huy động giữa các ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi các mức cao mới liên tục được xác lập trong những ngày gần đây.

Theo biểu lãi suất mới nhất vừa áp dụng từ ngày 27/9, Ngân hàng số Cake by VPBank đang niêm yết mức lãi suất cao nhất là 8,2%/năm đối với các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng và kỳ hạn gửi 36 tháng. Tại các kỳ hạn khác, mức lãi suất mà Cake by VPBank áp dụng cũng cao hơn khoảng 0,5% so với các ngân hàng khác.

Bên cạnh ngân hàng số của VPBank, MSB cũng đã đẩy lãi suất huy động lên mức 8%/năm. Cụ thể, lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng đã lên tới 8%/năm dành cho sản phẩm ''Lãi suất cao nhất'' theo hình thức gửi tiền trực tuyến tại kỳ hạn 24 và 36 tháng. Các kỳ hạn 13, 15 và 18 tháng có mức lãi suất cao nhất là 7,7%/năm, trong khi kỳ hạn 12 tháng hưởng có thể được hưởng lãi suất 7,5%/năm.


Giá USD ngân hàng vượt 24.000 VND/USD

Trên thị trường chính thức, giá USD tại phần lớn ngân hàng thương mại từ cuối ngày 29/9 vượt mức 24.000 đồng mỗi đôla. Đây là mức tỷ giá USD/VND cao nhất từ trước đến nay trên thị trường ngân hàng. Tính chung từ đầu năm, tỷ giá USD/VND đã tăng hơn 4% và là mức mất giá mạnh nhất của tiền Đồng trong nhiều năm trở lại đây.

Giá USD trên thị trường chính thức liên tục đi lên trong khi giá chợ đen gần như đi ngang. Do đó, chênh lệch giữa giá USD ngân hàng và thị trường tự do được thu hẹp về mức thấp. Các điểm thu đổi ngoại tệ mua bán đôla Mỹ ở mức 24.100 - 24.200 đồng/USD.

Ngân hàng Nhà nước nâng giá bán USD lần thứ hai trong tháng 9

Trước áp lực tăng cao trên thị trường ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỷ giá bán USD tại Sở Giao dịch thêm 225 đồng, từ mức 23.700 VND/USD lên mức 23.925 VND/USD. Đây là lần thứ hai trong tháng 9 và lần thứ tư kể từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD. Tổng cộng mức tăng thêm từ đầu năm là 905 VND, tương đương 3,9%.

Trong lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã tăng giá bán USD thêm 300 đồng lên 23.700 VND/USD, đồng thời ngừng niêm yết tỉ giá mua can thiệp.

Theo giới phân tích, việc nâng mạnh tỷ giá bán của NHNN và ngừng hẳn giao dịch mua USD từ các NHTM vừa cho thấy áp lực lớn đối với mục tiêu ổn định tỷ giá nhưng cũng vừa là một động thái mang tính chuẩn bị cho khả năng mất giá mạnh hơn của tiền Đồng.

Ngân hàng nói gì về việc bán ngoại tệ cho khách hàng "tuồn ra chợ đen"?

Theo thông tin của báo chí, một số đối tượng đã thực hiện hành vi trục lợi khi gom đôla Mỹ (USD) trong ngân hàng thương mại, bán ra thị trường chợ đen nhằm ăn chênh lệch tỉ giá. Trong đó, nhân viên ngân hàng ABBank được phản ánh dù biết các trường hợp tạo hồ sơ “xuất cảnh giả” để mua USD từ ngân hàng để bán ra chợ đen ăn chênh nhưng vẫn thực hiện thủ tục để bán USD cho những người này.

Nhân viên này còn thừa nhận, thực chất các ngân hàng đều nắm được mánh khóe của nhóm người “giả xuất cảnh” theo dạng này. Tuy nhiên, không chỉ “nhắm mắt cho qua”, các ngân hàng còn tạo điều kiện cho những trường hợp này, ủy quyền công chứng với nhóm từ 18 - 20 người để tránh mất thời gian và dồn quá nhiều người cùng một thời điểm đến ngân hàng sẽ gây chú ý.

Phản hồi về thông tin này, ABBank cho biết, sau khi ghi nhận phản ánh từ báo chí, ngân hàng đã lập tức kiểm tra, rà soát lại công tác mua, bán ngoại tệ cho khách hàng cá nhân trên toàn hệ thống.

Ngân hàng nhấn mạnh, đối với quy trình về mua, bán ngoại tệ tiền mặt đối với khách hàng cá nhân, ABBank đã ban hành và áp dụng các quy định, quy trình về mua ngoại tệ tiền mặt phục vụ nhu cầu của khách hàng cá nhân cho các mục đích như chữa bệnh; du học; du lịch, công tác, hội nghị… theo đúng nguyên tắc và quy định của Pháp lệnh ngoại hối, Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý.

Đối với việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt tại các đơn vị kinh doanh của ngân hàng, ABBank cho biết, tới thời điểm hiện tại, ngân hàng xác định công tác mua, bán ngoại tệ tiền mặt phục vụ nhu cầu của khách hàng cá nhân được các đơn vị kinh doanh thực hiện theo đúng quy định, quy trình của ngân hàng.

Đối với phát ngôn của Cán bộ nhân viên (CBVN) trong loạt phóng sự, ABBank cho biết, một số CBNV xuất hiện trong phản ánh đã phát ngôn, chia sẻ thông tin không chính xác so với định hướng hoạt động của ngân hàng, chưa thể hiện hình ảnh chuẩn mực, chuyên nghiệp của CBNV ngân hàng khi tư vấn cho khách hàng về các hoạt động nghiệp vụ.

Tăng trưởng tín dụng cao gấp 2,6 lần tăng trưởng huy động vốn

Báo cáo Tình hình Kinh tế - Xã hội quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê mới công bố cho biết, tính đến thời điểm 20/9/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,95%).

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%) trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%), tương đương gấp 2,61 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn.

Chia sẻ Facebook