Ngân hàng Trung ương châu Âu lo ngại rủi ro đe dọa ổn định tài chính
Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết, các điều kiện tài chính ở Khu vực đồng euro đã trở nên xấu đi do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.
Ngày 25/5, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, giá cả hàng hóa leo thang và làm gia tăng rủi ro đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Trong một báo cáo, ECB cảnh báo, tình trạng dễ bị tổn thương có thể gia tăng do sự không chắc chắn liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và những thay đổi chính sách ở các nền kinh tế phát triển.
Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết, những rủi ro đe dọa ổn định tài chính của các nước thành viên Eurozone đã gia tăng do cuộc xung đột ở Ukraine tác động đến tất cả khía cạnh của hoạt động kinh tế và các điều kiện tài chính của khu vực.
ECB đánh giá, giá hàng hóa và năng lượng tiếp tục ở mức cao và dễ biến động là nguyên nhân gây ra một số căng thẳng trên thị trường phái sinh đối với các sản phẩm này. Trong khi đó, các tập đoàn phi tài chính ở Eurozone đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ do áp lực tăng giá đầu vào và tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Trong một diễn biến liên quan, trước đó, ngày 16/5, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2022 xuống mức 2,7% từ mức 4% mới đưa ra hồi tháng Hai, không lâu trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ngoài ra, EC dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2023 là 2,3%, thấp hơn mức 2,7% đưa ra trước đó.
Trong thông báo mới, EC nêu rõ dự báo triển vọng kinh tế EU đưa ra trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra đã đề cập một quá trình phát triển kinh tế năng động và lâu dài. Tuy nhiên, xung đột xảy ra đã gây thêm nhiều thách thức mới ngay khi EU chỉ vừa bắt đầu hồi phục từ những tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 .
EC cảnh báo, hiện tình hình xung đột vẫn diễn biến khó lường và nguy cơ đình lạm (lạm phát kèm suy thoái) là hiện hữu. Nếu Nga cắt toàn bộ nguồn cung dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu, EC cảnh báo dự báo trên sẽ còn bị cắt giảm sâu hơn.
Minh Hoa (t/h)