Ngân hàng Trung ương châu Âu họp khẩn vì tình hình thị trường
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo họp khẩn về chính sách tiền tệ trong ngày 15-6, giữa lúc lợi suất trái phiếu đang tăng lên tại nhiều quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung euro.
“Họ sẽ có một cuộc họp để thảo luận về tình hình thị trường hiện nay”, người phát ngôn của ECB nói với Đài CNBC.
Nhiều chính phủ đang phải đối mặt với chi phí vay tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu Ý và Đức - một thước đo tâm lý sợ hãi trong thị trường của châu Âu - đã tăng mạnh trong ngày 15-6, mức cao nhất kể từ đầu năm 2020.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Ý kỳ hạn 10 năm đã vượt ngưỡng 4% hồi đầu tuần này.
Biến động trong thị trường trái phiếu phản ánh sự lo lắng của giới đầu tư, xuất phát từ suy đoán ECB sẽ siết chặt chính sách tiền tệ hơn kỳ vọng.
Hồi tuần trước, ECB đã thất bại trong việc đề ra các biện pháp khả thi nhằm hỗ trợ các nước đang ngập trong nợ nần của khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone). Điều này càng làm cộng đồng đầu tư thêm lo ngại.
Dù vậy, sau thông tin về cuộc họp ngày 15-6, lợi suất trái phiếu đã giảm xuống và đồng euro đã mạnh hơn so với đồng USD. Giá giao dịch euro tăng 0,7% lên mức 1,04 USD đổi 1 euro trước khi thị trường châu Âu mở cửa.
Phản ứng của thị trường cho thấy giới đầu tư trông đợi ECB sẽ cung cấp thêm thông tin về các biện pháp nhằm hỗ trợ các nước mắc nợ.
Ngày 9-6, ECB khẳng định sẽ thực hiện các đợt tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng tới nhằm đối phó với tình hình lạm phát đang tăng cao.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết Ngân hàng dự kiến mức tăng lãi suất sẽ là 0,25% vào tháng 7 tới đây.
Rủi ro Eurozone tan vỡ
ECB đang chậm hơn so với các ngân hàng trung ương của Anh và Mỹ trong cuộc chiến chống lạm phát. Song nhiệm vụ của châu Âu được đánh giá là khó khăn hơn, do Eurozone chịu tác động kinh tế trực tiếp từ xung đột tại Ukraine.
Theo Reuters, một số nhà đầu tư kỳ vọng ECB sẽ giải quyết vấn đề về sự bất cân xứng trong chính Eurozone
Sự bất cân xứng này là một rủi ro lớn đối với Eurozone. Dù 19 thành viên của khối này có năng lực tài chính khác biệt, họ vẫn dùng chung một đồng tiền. Điều đó đồng nghĩa rằng bất ổn của một quốc gia có thể ảnh hưởng đến những nước còn lại.
Theo báo Sydney Morning Herald, chính khác biệt trên đã suýt khiến Eurozone tan rã sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Vào giai đoạn 2010-2011, Hy Lạp đã rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng, gần như phải ra khỏi khối này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ECB, các nền kinh tế thành viên Eurozone và nhiều nhà đầu tư đã phải tham gia vào nỗ lực cứu trợ Hy Lạp.
Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thời điểm đó cũng đứng trên bờ vực phải rời khỏi Eurozone vì nợ công cao, kinh tế yếu kém và hệ thống ngân hàng tê liệt.
Gần nhất vào năm 2018, Ý - nền kinh tế lớn thứ 3 Liên minh châu Âu (EU) cũng đe dọa sẽ rời khối này. Nếu Ý thật sự rời đi, đó sẽ là cú giáng nghiêm trọng vào sự gắn kết của Eurozone và tương lai của khối.
Nguy cơ Hy Lạp và Ý rời khỏi khối lại một lần nữa quay lại sau khi ECB thay đổi chính sách tiền tệ của mình.
Các nước Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường áp lực lên Pfizer và các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 khác để đàm phán lại hợp đồng, nhằm cắt giảm nguồn cung vắc xin nay đã không còn cần thiết.