Ngân hàng Trung Quốc đau đầu vì 'thừa' tiền mặt

Chia sẻ Facebook
30/07/2022 23:47:26

Hệ thống ngân hàng tại Trung Quốc đang tràn ngập tiền mặt. Lãi suất vay qua đêm - thước đo chính cho chi phí đi vay liên ngân hàng, đã nằm dưới mức 2% trong hơn 5 tháng qua.

Ngân hàng Trung Quốc đau đầu vì 'thừa' tiền mặt

Theo trang tin Bloomberg, các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc mới đây đã cam kết áp dụng các biện pháp giữ thị trường không bị thiếu hụt thanh khoản. Phát biểu này được đưa ra dưới tình hình nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn và có khả năng rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng dù có giữ cho thanh khoản ở mức ổn định thì lượng tiền mặt thực tế được dành cho sản xuất và tiêu dùng vẫn rất thấp, thay vào đó chúng chủ yếu nằm ở các định chế tài chính.

Trên thị trường, doanh số bán nhà tiếp tục lao dốc, cho thấy người dân không mặn mà đi vay thế chấp để mua nhà và các công ty địa ốc cùng những ngành nghề liên quan cũng không có nhu cầu tín dụng.

Doanh số của các doanh nghiệp địa ốc giảm sút.

Các doanh nghiệp khác thì đang phải tạm dừng sản xuất hoặc buộc phải cắt giảm nhân sự; trong khi doanh thu không có và lợi nhuận lao dốc. Một loạt công ty thậm chí còn phải trì hoãn kế hoạch mở rộng.

Bên cạnh đó, lãi suất vay qua đêm của các ngân hàng trong tuần này cũng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021 để kích thích tín dụng tuy nhiên vẫn không có gì thay đổi. Đây là động thái hỗ trợ của Bắc Kinh khi cam kết sẽ giữ thanh khoản ở mức "dồi dào" hợp lý, kích thích nền kinh tế phục hồi.

Dưới đây là phản ứng của các ngân hàng và nhà đầu tư đối với tình trạng dư thừa thanh khoản tại Trung Quốc:

Đẩy mạnh mua trái phiếu

Theo dữ liệu tổng hợp bởi Bloomberg, các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư đang chuyển hướng sang mua trái phiếu của Ngân hàng Chính sách và trái phiếu của các doanh nghiệp uy tín.

Trái phiếu Ngân hàng Chính sách ngày càng được ưu tiên.

Ông Zhaopeng Xing, chiến lược gia cấp cao tại Australia & New Zealand Banking Group, nhận định rằng các công ty chứng khoán và các quỹ tương hỗ là những đơn vị mua chủ yếu.

Nguyên nhân là vì trái phiếu Ngân hàng Chính sách là một trong những công cụ có tính thanh khoản cao nhất trên thị trường nội địa. Hơn nữa, những trái phiếu này vừa có lợi suất cao hơn Trái phiếu Chính phủ lại vừa có rủi ro vỡ nợ thấp nhất.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cá nhân cũng ưa chuộng trái phiếu dài hạn hơn trái phiếu ngắn hạn. Điều này thể hiện ở việc lãi suất của một loạt các trái phiếu kỳ hạn một năm liên tục lao dốc và đã giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Nguyên nhân sự sụt giảm này có lẽ đến từ việc các nhà đầu tư đang cân nhắc nhiều hơn về khả năng thắt chặt thanh khoản và hồi phục trong ngắn hạn của thị trường.

Lãi suất các loại trái phiếu ngắn hạn liên tục lao dốc.


Được biết, số lượng trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã tăng vọt kể từ tháng 3. Thậm chí, Bộ Tài chính nước này còn đang cân nhắc cho phép chính quyền các địa phương bán thêm 1.500 tỷ nhân dân tệ ( 222 tỷ USD ) trái phiếu đặc biệt trong nửa cuối năm với hi vọng hút thêm nguồn tiền cho thị trường hấp thụ.

Kế hoạch trên sẽ giúp tăng doanh số bán trái phiếu địa phương vốn đã ở mức kỷ lục trong nửa đầu năm nay, và có thể thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng hơn nữa trong 6 tháng cuối năm.


Mua vào USD - bán ra nhân dân tệ


Các tổ chức tài chính phi ngân hàng gần đây cũng có xu hướng đầu tư mua tích trữ đồng USD nhiều hơn. Nguyên nhân đến từ sự chênh lệch lãi suất hấp dẫn giữa đồng này và đồng nhân dân tệ.

Giá trị đồng nhân dân tệ liên tục giảm so với đồng USD.


Gửi tiết kiệm hay kinh doanh đồng USD là một trong những lựa chọn rất thích hợp trong tình hình này, khi đồng nhân dân tệ liên tục giảm giá so với đồng bạc xanh.


Trong khi Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất, chính quyền Trung Quốc vẫn chủ trương duy trì chính sách thích nghi. Chính sự khác biệt trong chính sách hỗ trợ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm gia tăng sự hấp dẫn của đồng USD so với nhân dân tệ.


Trên thị trường phái sinh quốc tế, tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD đã giảm liên tiếp trong 3 tháng vừa qua. Tỷ giá kỳ hạn 12 tháng của đồng nhân dân tệ đã chạm mức âm 574 pips trong tháng 7, là mức thấp nhất kể từ năm 2011 trong khi hệ số này ở đồng USD là âm 482 pips. Điều này phản ánh cầu vào đang cao hơn đối với đồng USD .

Doanh nghiệp giảm vay nợ


Ở diễn biến khác, các ngân hàng cũng đang hạn chế huy động thêm vốn vì họ đang ngập tràn tiền mặt mà các doanh nghiệp không vay. Trong tháng 7, tổng giá trị chứng chỉ tiền gửi khả nhượng ( NDC ) phát hành mới trong nước đang thấp hơn giá trị đáo hạn khoảng 310 tỷ nhân dân tệ. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp đang tập trung trả nợ thay vì đi vay nợ. Hiện tượng này xảy ra ngay cả khi chi phí đi vay đã giảm khiến cho các ngân hàng đau đầu vì thừa tiền. Lãi suất vay qua đêm - thước đo chính cho chi phí đi vay liên ngân hàng, đã nằm dưới mức 2% trong hơn năm tháng qua, quãng thời gian dài nhất trong hai năm.

Ông Ken Cheung - Giám đốc chiến lược mảng kinh doanh ngoại hối tại ngân hàng Mizuho, Trung Quốc - cho rằng thanh khoản hiện tại là quá dư thừa trong khi dòng tiền vẫn không thực sự đến được với các doanh nghiệp và các hoạt động sản xuất, tiêu dùng. "Lãi suất thực tế ở Trung Quốc đang khá thấp và có thể khiến cho nền kinh tế rơi vào bẫy thanh khoản. Bộ Chính trị nên cân nhắc tăng hỗ trợ tài khóa cho thị trường bất động sản để hồi phục kinh tế", ông viết thêm trong báo cáo.

Tuy nhiên, dù có áp dụng biện pháp nào đi nữa, hệ thống tài chính Trung Quốc sẽ “ngập” trong tiền mặt là điều khó có thể tránh khỏi. Ngoài ra, bất kỳ sự nới lỏng tiền tệ nào từ phía ngân hàng trung ương cũng đều sẽ kém hiệu quả hơn trước.

Hằng Nga

Chia sẻ Facebook