Ngân hàng tìm cách đảm bảo cung ứng vốn cho vay
Để đảm bảo vốn cho vay, các chuyên gia cũng lưu ý, các ngân hàng phải tìm cách tăng vòng quay vốn, có nghĩa chuyển bớt các khoản dài hạn sang cho vay ngắn hạn.
Trong bối cảnh một số ngân hàng xin được nới hạn mức tín dụng nhưng Ngân hàng nhà nước cho biết trước mắt vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở 14% để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát . Vậy với hạn mức tăng trưởng còn lại, các ngân hàng sẽ phải cân đối vốn như thế nào để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.
Với mức tăng tín dụng 9,35% trong nửa đầu năm, với chỉ tiêu còn lại ước tính các ngân hàng còn khoảng hơn 500 nghìn tỷ đồng vốn nữa để cho vay trong nửa cuối năm. Số vốn này sẽ được dành tập trung cho thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Phía các ngân hàng cũng cho biết, ngoài 500 nghìn tỷ đồng hạn mức tín dụng còn lại, sẽ có các khoản nợ đến hạn thanh toán và những khoản này sẽ tiếp tục được quay trở lại cho vay nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, việc tái cơ cấu các khoản vay sẽ giúp nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động cho chính các ngân hàng thương mại.
Hiện tín dụng đã tăng nhanh nhất trong 10 năm, nếu nới hạn mức sẽ tiềm ẩn rủi ro. Việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng sẽ phải cân đối với các yếu tố vĩ mô khác.
Ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho hay: "Tỷ lệ Tín dụng/GDP của Việt Nam theo IMF và WB thuộc hàng cao nhất thế giới so với các nước có điều kiện phát triển tương đồng (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%). Do đó, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tín dụng theo mục tiêu định hướng 14% đã đề ra và căn cứ diễn biến, tình hình thực tế để có giải pháp điều hành phù hợp nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát".
Lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng đồng loạt tăng. Không chỉ nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, các "ông lớn" quốc doanh cũng đã tham gia vào cuộc đua này.