Ngân hàng thêm “chiêu” chạy đua trong cuộc chiến gia tăng thị phần
Bên cạnh việc thực hiện nghiệp vụ truyền thống là tổ chức trung gian tài chính, hiện nay nhiều ngân hàng cũng rất chú trọng đến hoạt động đầu tư của khách hàng.
Với mục tiêu tự do tài chính, hiện nay nhiều người đang tìm và lựa chọn những giải pháp đầu tư thông minh, hiệu quả.Tuy nhiên, sự bùng nổ mạnh mẽ của các ứng dụng đầu tư hiện nay sẽ rất khó tránh khỏi tình trạng có những app lừa đảo, kém uy tín dẫn đến rủi ro cho khách hàng. Vì vậy chọn được ứng dụng phục vụ cho hoạt động đầu tư được phát triển bởi một đơn vị uy tín là điều cần thiết và cơ bản cho những nhà đầu tư.
Bên cạnh việc thực hiện nghiệp vụ truyền thống là tổ chức trung gian tài chính, hiện nay nhiều ngân hàng cũng rất chú trọng đến hoạt động đầu tư của khách hàng. Đặc biệt là khi xu hướng phát triển ngân hàng số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, các nhà băng đang nỗ lực chạy đua để mang đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm tiện lợi theo mô hình "all-in-one". Ngoài các sản phẩm truyền thống như thanh toán, tiết kiệm, bảo hiểm, một ứng dụng ngân hàng cần có thể mang lại cho khách hàng nhiều trải nghiệm mới hơn, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng đối với các hoạt động tài chính như đầu tư vào các lớp tài sản trên thị trường.
Gần đây, BIDV đã thực hiện nâng cấp hệ thống và tích hợp thêm tính năng chuyển tiền mua chứng chỉ quỹ mở (CCQ mở) trên ứng dụng BIDV Smartbanking, giúp các nhà đầu tư cá nhân tiết kiệm thời gian trong hoạt động giao dịch và giảm thiểu rủi ro trong thanh toán. Việc tích hợp thêm tính năng này trên ứng dụng ngân hàng số của BIDV tạo điều kiện cho những khách hàng hiện hữu được tiếp cận thêm các kênh đầu tư vào các CCQ mở bên cạnh việc sử dụng app ngân hàng để giao dịch và thanh toán thông thường.
Ngoài CCQ mở, hiện nay khách hàng cũng có thể lựa chọn đầu tư vào các sản phẩm của của chính ngân hàng đó như chứng chỉ tiền gửi. Chứng chỉ tiền gửi là một trong những hình thức đầu tư tương đối an toàn với mức lãi suất hấp dẫn, là một lựa chọn thay thế không tồi trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang dần trở nên kém hấp dẫn. Như Sacombank mới đây đã công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi trên toàn hệ thống dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với hạn mức 3.000 tỷ đồng, mức lãi suất cao nhất mà nhà đầu tư có thể nhận lên tới 7,33%/năm.
Thấu hiểu được tâm lý của khách hàng khi gặp khó khăn trong việc quản lý danh mục, dòng tiền bởi có qua nhiều ứng dụng đầu tư, app MBBank của ngân hàng MB đã tích hợp nền tảng Digi Trading để tạo nên hiệu ứng với hệ sinh thái thanh toán – tiết kiệm- đầu tư đa dạng. Với tính năng mới này, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm phù hợp với mục đích, nhu cầu, số vốn đầu tư và thuận tiện trong việc quản lý tài sản với nhiều danh mục đầu tư chỉ trên 1 ứng dụng. Danh mục các tài sản trên ứng dụng của MBBank cũng rất đa dạng, từ Gói cổ phiếu, Chứng chỉ quỹ… hay các sản phẩm như trái phiếu, bảo hiểm đang được ngân hàng triển khai và sớm đưa vào hoạt động trong tương lai.
Việc cho ra mắt nhiều sản phẩm đầu tư, phát triển nhiều tính năng trên ứng dụng ngân hàng số đã cho thấy nỗ lực của các nhà băng trong cuộc chiến gia tăng thị phần, thu hút thêm nhiều khách hàng. Khi các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có sự kết nối với ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính (Fintech), mạng lưới này có thể cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ khác nhau, mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng so với việc sử dụng các dịch vụ đơn lẻ, từ đó mang lại nhiều tiện lợi hơn cho khách hàng.
Ngoài sự tiện lợi, việc giao dịch mua bán các sản phẩm và sử dụng dịch vụ qua ứng dụng ngân hàng còn giúp người dùng yên tâm do có sự đảm bảo từ phía ngân hàng. Bởi các đối tác trong hệ sinh thái số luôn được ngân hàng lựa chọn kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố về uy tín cũng như chất lượng sản phẩm.
Theo Hiểu Lam
Nhịp Sống Kinh tế