Ngân hàng tăng năng lực cho vay

Chia sẻ Facebook
26/08/2022 11:27:30

Khi tài sản tăng lên, ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh hơn, từ đó tăng năng lực cho vay đến người dân và doanh nghiệp.

912.000 tỷ đồng là tổng tài sản tăng thêm của 31 ngân hàng trong 7 tháng đầu năm. Số tiền tăng thêm này đến bằng nhiều cách khác nhau.

Cụ thể, số tiền tăng thêm đến từ huy động tiền gửi của cá nhân và doanh nghiệp, từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho đối tác chiến lược, tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước, hay việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, tức là tăng vốn.

Hơn 10.000 tỷ đồng là số tiền Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) huy động được trong 7 tháng đầu năm thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Mức lãi suất huy động trung bình là 4,4% cho thời gian khoảng 3 năm rưỡi, thấp hơn nhiều so với huy động tiền gửi từ dân cư.

Cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng được cho là sẽ chưa dừng lại. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)


"Trái phiếu doanh nghiệp giúp ngân hàng đa dạng hóa được các hoạt động đầu tư, sinh lời từ đầu tư trái phiếu cũng như là tư vấn, phát hành trái phiếu, đặc biệt là giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa được các hình thức huy động vốn", ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội, cho biết.


Trong 7 tháng đầu năm, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp được các ngân hàng phát hành là hơn 80.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số ngân hàng Việt Nam cũng đã huy động được dòng vốn lớn từ nước ngoài với chi phí hợp lý và kỳ hạn dài lên đến 5 năm.

"Dựa trên năng lực tài chính, có nhiều ngân hàng quốc tế muốn tham gia huy động vộn. Theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi chỉ huy động 800 triệu USD, nhưng với các nhu cầu lớn, đã tăng lên con số 1 tỷ USD", ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, cho hay.

Hàng loạt ngân hàng mới đây được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu. Trung bình mỗi ngân hàng tăng vốn thêm 20%. Có ngân hàng đạt mức tăng lên đến 40%.

"Việc tăng vốn của các ngân hàng có thể giúp ngân hàng có chỉ tiêu về an toàn vốn, thanh khoản ở mức độ tốt hơn, cũng có sẵn nguồn vốn chuẩn bị khi Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng mới", chị Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán SSI, nhận định.

Theo lộ trình, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng sẽ bị siết chặt từ đầu tháng 10. Do đó, cuộc "đua" tăng vốn của các ngân hàng được cho là sẽ chưa dừng lại.


Doanh nghiệp được hỗ trợ vốn kịp thời

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang ấn định hạn mức tăng trưởng tín dụng của năm nay là 14%, tính đến giữa tháng 8 vừa qua đã dùng hết 9,62% hạn mức, tức là 5 tháng cuối năm, các ngân hàng chỉ còn khoảng 4,4%, tương đương khoảng 460.000 tỷ đồng để cho vay. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của nền kinh tế còn rất lớn.

Để cấp room tín dụng mới, Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào khoảng 6 tiêu chí, trong đó đặc biệt đáng chú ý là tiêu chí về vốn, hệ số an toàn vốn liên quan tới tổng tài sản của các ngân hàng. Khi đó, ngân hàng có vốn lớn sẽ có nhiều có hội có thêm hạn mức để cho vay.

Ngân hàng Quân đội (MB) vừa cấp hạn mức cho vay 200 tỷ đồng cho một doanh nghiệp thương mại. Trong bối cảnh nhiều loại chi phí tăng tới 4 - 5 lần, khoản tín dụng này giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động.

"Ngân hàng hỗ trợ các khoản tín dụng giúp cho chúng tôi thanh toán khoản đến hạn cho đối tác nước ngoài cũng như trong nước kịp thời. Điều đó giúp hàng của chúng tôi về kịp, cung cấp kịp thời ra thị trường, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ngắt quãng", anh Trần Công Thành, Giám đốc tài chính Công ty TNHH Thương mại Vạn An, chia sẻ.

Lĩnh vực bất động sản liên quan tới ít nhất 35 ngành nghề, đóng góp khoảng 9% GDP trong nửa đầu năm nay, nhưng lại thuộc nhóm hạn chế cho vay và đang rất khát vốn. Do đó, khi doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và ngân hàng còn hạn mức cho vay, việc giải ngân vẫn tiếp tục.

"Trong suốt quá trình hoạt động chúng tôi cũng chưa một lần bị nợ xấu, hay các điều kiện không tốt nên vẫn được ngân hàng hỗ trợ. Còn về lãi suất, trong bối cảnh room tín dụng bị siết chặt đang có chiều hướng tăng nhẹ dần theo điều tiết của từng ngân hàng", chị Nguyễn Thanh Mai, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Flamingo, cho biết.

Nhu cầu vay vốn của nền kinh tế còn rất lớn. (Ảnh minh họa - Ảnh: An ninh Thủ đô)

Các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ. Do vậy, nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao là điều tất yếu.

Các chuyên gia cho rằng, đây là yếu tố để Ngân hàng Nhà nước xem xét nới "room" tín dụng sớm hơn mốc quý 4 năm nay.

"Như Thủ tướng đã chỉ đạo, chính sách tiền tệ là thận trọng, nhưng phải linh hoạt và hiệu quả. Tôi hiểu Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi tinh thần đó để điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tín dụng nói riêng một cách linh hoạt, hiệu quả", ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định.

Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng chính phủ đã nhấn mạnh cần cân đối hài hòa giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Việc các ngân hàng tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính và đảm bảo các hệ số an toàn rủi ro là những bước đi cần thiết, góp phần thực hiện các mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Để đảm bảo vốn cho vay, các chuyên gia cũng lưu ý, các ngân hàng phải tìm cách tăng vòng quay vốn, có nghĩa chuyển bớt các khoản dài hạn sang cho vay ngắn hạn.

Chia sẻ Facebook