Ngân hàng tăng lãi suất huy động gần ngưỡng 8%/năm để hút vốn
Các ngân hàng Việt Nam hiện đang tăng lãi suất tiền gửi với mức dao động từ 6,4%-8%/năm tùy thuộc vào kỳ hạn, số tiền gửi để thu hút vốn.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành từ hôm 23/9, các ngân hàng thương mại đang nâng dần biểu lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn để hút vốn từ nền kinh tế, mức lãi suất đang dao động từ 6,4% – 8%/năm tùy thuộc vào kỳ hạn, số tiền gửi.
Theo đó, ngân hàng số Cake by VPBank đã niêm yết mức lãi suất 8,2% cho mức tiền gửi trên 300 triệu đồng và kỳ hạn 36 tháng. Mức lãi suất này đồng nghĩa với việc khách hàng gửi 1 tỷ đồng tại Cake by VPBank sẽ nhận được 82 triệu đồng tiền lãi mỗi năm.
Tại nhiều ngân hàng thương mại khác, mức lãi suất huy động hầu hết vượt 7%/năm.
Ngân hàng Đông Á thông báo lãi suất huy động cao nhất lên đến 7,6%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng từ hôm 26/9. Nếu giá trị tiền gửi trên 1 tỷ đồng, ngân hàng này còn cộng thêm lãi suất 0,19%/năm cho khách hàng. Đối với số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên, biên độ cộng thêm lên tới 0,5%/năm, tổng mức lãi suất lên tới 8,1%/năm, báo Dân Trí đưa tin.
Còn VietA Bank công bố lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 tháng lên tới 7,8%/năm. Tại ngân hàng CBBank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên ở ngưỡng 7,5%/năm. VietCapital Bank cũng áp dụng lãi suất 7,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng nhưng kèm điều kiện mức tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên.
Tương tự, các ngân hàng như: OCB, Saigon Bank, SCB,… cũng công bố biểu lãi suất mới với mức cao nhất ở ngưỡng 7,3%-7,35%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng đối với khách hàng cá nhân.
Các ngân hàng tư nhân có quy mô tài sản thuộc nhóm giữa như Sacombank, SHB, HDBank, VIB lãi suất huy động cao nhất cũng đã chạm mốc hoặc thậm chí vượt 7%/năm ở các kỳ hạn dài với một số điều kiện.
Trong nhóm ngân hàng còn lại như ACB, Techcombank,… lãi suất cao nhất ở mức 6,5-6,9%/năm.
Trong khi đó, 4 ngân hàng có vốn Nhà nước gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank cũng đã công bố mức lãi suất huy động mới, bình quân 6,4%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng.
Trước đó, NHNN Việt Nam đã có động thái nâng lãi suất điều hành từ ngày 23/9. Theo đó, sau 2 năm đứng yên, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng thêm 1 điểm phần trăm lên 5% một năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5% một năm.
Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0,2% lên 0,5% một năm.
Bên cạnh đó, hai loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cũng tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên tương ứng 5% một năm và 3,5% một năm.
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng tăng từ 5% lên 6% một năm.
Đức Minh
Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành 0,3-1%/năm từ ngày 23/9 Sau 2 năm đứng yên, NHNN vừa tăng lãi suất điều hành thêm 0,3-1%/năm, gồm: trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn.