Ngân hàng SCB thay loạt lãnh đạo mới sau khi bị “kiểm soát đặc biệt”

Chia sẻ Facebook
16/10/2022 09:12:12

Sau 1 tuần xảy ra việc người dân ồ ạt rút tiền, ngân hàng SCB vừa thay thế loạt lãnh đạo mới theo quyết định "kiểm soát đặc biệt" của NHNN.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa bổ nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) mới. Trong đó, Giám đốc ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) TP.HCM sẽ giữ chức Chủ tịch HĐQT của SCB trong thời gian tới. Trước tình trạng người dân rút tiền ồ ạt từ hôm 8/10, ngân hàng SCB đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt bởi quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tối ngày 15/10, Ngân hàng Nhà nước “kiểm soát đặc biệt” ngân hàng SCB

Người dân đến xếp hàng trước giờ mở cửa của Ngân hàng SCB Vũ Trọng Phụng, Hà Nội sáng 8/10. (Ảnh: dẫn qua Phan Thúy Hà/Facebook)

Theo đó, ngày 15/10, ngân hàng SCB công bố việc bổ nhiệm một số nhân sự cấp cao theo quyết định kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc này diễn ra sau 1 tuần người dân ồ ạt rút tiền do một số thông tin bất lợi liên quan đến hoạt động của SCB.

Cụ thể, ông Vũ Anh Đức (vốn là Giám đốc Vietinbank TP.HCM) sẽ thay ông Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch HĐQT, đồng thời là người đại diện pháp luật của ngân hàng SCB.

Được biết, ông Đức là Thạc sỹ chuyên ngành Kinh tế phát triển, từng qua nhiều vị trí tại VietinBank như: Phó phòng đầu tư, Trưởng phòng thị trường vốn – Khối kinh doanh vốn và thị trường, kiêm nhiệm Thành viên HĐQT Công ty Chứng khoán VietinBank, Giám đốc VietinBank Quang Trung…

Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ định 4 nhân sự khác từ các ngân hàng có vốn nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) sang tham gia quản trị ngân hàng SCB, gồm ông Phạm Quang, ông Võ Văn Bửu, ông Trang Nhân Hậu và ông Lý Thành Phương.

Các quyết định trên có hiệu lực từ 15/10, cùng ngày với việc NHNN đưa SCB vào diện “kiểm soát đặc biệt. Trong quá khứ, ngành ngân hàng đã có nhiều trường hợp từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt như: ngân hàng Đông Á, ngân hàng Đại dương (Oceanbank), ngân hàng CBbank, GPBank,…

Tín hiệu “cuộc đua lãi suất” xuất hiện, NHNN bơm thêm 60.000 tỷ đồng


Trước đó, NHNN phát đi thông báo khuyên người dân không nên rút tiền trước hạn và cơ quan này cho biết sẽ giữ vững hoạt động của ngân hàng SCB, bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Vừa qua, ngân hàng SCB cũng tăng lãi suất huy động lên nằm trong top cao nhất khi đưa ra mức lãi lên đến 8,9%/năm đối với kỳ hạn gửi 36 tháng, hình thức gửi trực tuyến để thu hút vốn trở lại.

Từ hôm 8/10, nhiều thông tin bất lợi xảy ra khiến người dân ồ ạt đến ngân hàng SCB rút tiền. Sau một tuần, tình trạng xếp hàng chờ rút tiền đã giảm nhưng hoạt động của SCB đã bộc lộ nhiều vấn đề khi rơi vào diện kiểm soát đặc biệt.

Theo quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi, bổ sung 2017, “kiểm soát đặc biệt” là việc đặt một tổ chức tín dụng dưới sự kiểm soát trực tiếp của NHNN. Trong đó, có trường hợp “Ngân hàng mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của NHNN”.


Đức Minh

Ngân hàng SCB nâng lãi suất tiền gửi lên 8,9%/năm, gần cao nhất hệ thống Với hình thức gửi online, ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đưa ra mức lãi suất 8,9%/năm, kỳ hạn gửi 36 tháng với hình thức lĩnh lãi cuối kỳ.

Chia sẻ Facebook