Ngân hàng SCB niêm yết lãi suất tiền gửi 6 tháng lên tới hơn 9,3%

Chia sẻ Facebook
19/11/2022 10:24:20

Ngân hàng SCB kéo lãi suất huy động tăng vọt ở nhiều kỳ hạn, trong đó 6 tháng lên 9,35%, 12 tháng trở lên đã ở mức 9,75%/năm.

Duy trì trong nhóm các ngân hàng có lãi suất huy động ở mức cao, ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã niêm yết kỳ hạn 6 tháng với mức lãi 9,35%. Đây được cho là mức rất cao trong hệ thống ngân hàng. Còn ở kỳ hạn 12 tháng trở lên, ngân hàng này đã kéo lãi suất huy động lên tới gần 10%/năm.

Nhận hàng loạt khiếu nại, SCB mở địa điểm giải quyết vấn đề trái phiếu DN

Bảng lãi suất huy động “Tiết kiệm Online” của SCB tăng vọt ở kỳ hạn ngắn lẫn dài từ hôm 11/11, trung bình đã trên 9%/năm. (Ảnh chụp màn hình: scb.com.vn)

Theo thông tin từ website của ngân hàng SCB, lãi suất huy động theo hình thức Tiết kiệm trực tuyến (Online) có sự điều chỉnh lớn so với hơn một tháng trước. Cụ thể, mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tăng từ 7,95% lên 9,35%, tương đương tăng 1,4%.

Bên cạnh đó, kỳ hạn từ 7 – dưới 12 tháng đang dao động từ 9,4% – 9,65%, tăng tương ứng 1,1% – 1,35% so với hôm 14/10. Đáng chú ý, ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, ngân hàng SCB đã niêm yết mức lãi suất huy động lên tới 9,75%/năm, cũng tăng thêm 1,1%/năm.

Thời gian qua, dưới sức ép từ phía người dân biểu tình đòi tiền tại các chi nhánh và trụ sở ngân hàng SCB, chính quyền TP.HCM yêu cầu ngân hàng SCB tổ chức đối thoại về vấn đề trái phiếu.

Nhiều người dân tại cuộc họp đã tố phía ngân hàng SCB tư vấn sai lệch, từ hình thức gửi tiết kiệm sang đầu tư trái phiếu với tên gọi mập mờ “Tiết kiệm linh hoạt trái phiếu”, “Rút gốc sau 31 ngày”, v.v… đã khiến nhiều người dân gửi tiền (đa phần lớn tuổi) đã không nắm rõ thông tin, rủi ro gặp phải,… dẫn tới việc mua trái phiếu doanh nghiệp.

Trước sự việc bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu thông qua Công ty An Đông, người dân đã không khỏi lo lắng số tiền tiết kiệm lỡ mua trái phiếu có  thể bị mất trắng.

NHNN bơm ròng hơn 8.700 tỷ đồng ngày 8/11; người dân đến SCB đòi tiền trái phiếu


Tại cuộc họp hôm 7/11, ông Hoàng Minh Hoàn – Phó tổng giám đốc thường trực SCB cho biết ngân hàng không chủ trương chỉ thị nhân viên tư vấn sai lệch cho khách hàng. Tuy vậy, ông Hoàn cho biết “ngân hàng không vô can trong vấn đề liên quan đến trái phiếu của khách hàng” và sẽ phối hợp với Chứng khoán Tân Việt làm việc với người mua trái phiếu.

Ngân hàng SCB cho biết địa điểm tiếp nhận thông tin nói trên được thiết lập tại Trụ sở SCB (Lầu 9), số 242 đường Cống Quỳnh, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP.HCM. Bên cạnh đó, các chi nhánh ở các tỉnh thành khác cũng sẽ là nơi người dân đến khiếu nại.

Thời gian mà SCB đưa ra gồm 2 khung giờ: từ 8h – 11h30 và từ 13h30 – 16h30 (Thứ Hai đến Thứ Sáu).

Bộ Tài chính phản hồi những gì?

Trong thông báo đăng tải trên trang web của Bộ Tài chính ngày 14/11, cơ quan này cho biết trước các vi phạm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu thời gian qua, các nhà đầu tư cần lưu ý về mức độ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ này cho biết trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

Trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, thường có độ rủi ro và lãi suất cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng.


Do vậy, Bộ Tài chính cho hay: “nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình”.

Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, Bộ đề nghị phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư.

Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính phải xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi như: cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp,… trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.

Tuy phía người tư vấn (Ngân hàng, Công ty chứng khoán) và doanh nghiệp phát hành đều xuất hiện những lỗ hỏng nhưng Bộ Tài chính chưa đề cập đến trách nhiệm của mình trong quá trình doanh nghiệp lách luật phát hành trái phiếu riêng lẻ đến người dân (vốn yêu cầu bắt buộc phải nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu theo quy định).

Được biết, Công ty An Đông là thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tính trong 2 năm (2018 và 2019) đã huy động trái phiếu từ nhà đầu tư lên tới 25.000 tỷ đồng, gần gấp 3 lần vốn chủ sở hữu của công ty này là khoảng 9.000 tỷ đồng.


Tuấn Minh

Bộ Tài chính: Trái phiếu DN rủi ro cao, "nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm quyết định đầu tư"

Trước hàng loạt vụ khách hàng tố ngân hàng SCB lừa mua trái phiếu, Bộ Tài chính cho hay "nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình".

Chia sẻ Facebook