Ngân hàng 'ồ ạt' rao bán dự án condotel, khu resort để siết nợ
Các ngân hàng lớn đang rao bán dự án condotel, sân golf, resort… để xử lý nợ xấu. Đáng chú ý, có những khoản nợ bán hạ giá cả trăm tỷ nhưng vẫn không ai mua.
Bán dự án condotel, resort để thu hồi nợ
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Thành An (VietinBank Thành An) mới đây, thông báo rao bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của khách hàng là Công ty Cổ phần Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) để xử lý thu hồi nợ vay.
Theo đó, tổng dư nợ tín dụng của Công ty Khách sạn Bến Du Thuyền tại VietinBank tính đến ngày 26/7 là hơn 540 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ trên bao gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất rộng gần 6.000m2 tại địa chỉ Khu A - Ô số 8, Khu đô thị Vĩnh Hòa, TP Nha Trang. Đây là đất xây dựng khách sạn, căn hộ du lịch (đất ở tại đô thị không hình thành đơn vị ở) có thời hạn sử dụng đến năm 2064.
Cùng với đó, là toàn bộ bất động sản hình thành thuộc Dự Án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia - Swisstouches Laluna Resort - Khu A bao gồm nhưng không giới hạn: Các máy móc, trang thiết bị, nội thất, công cụ dụng cụ, phương tiện vận tải và các động sản khác thuộc Dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia - Swisstouches Laluna Resort - Khu A.
Theo giới thiệu, Dự án “Trung tâm Bến du thuyền Hoàng gia - Khu A” có tổng mức đầu tư gần 2.421 tỷ đồng với khoảng 1.292 căn hộ khách sạn (condotel) và gần 3.000m2 shophouse...
Ngoài ra, các ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank,… cũng đang bán đấu giá tài sản giá trị lớn để xử lý nợ xấu.
Theo đó, ngân hàng Vietcombank đang rao bán khu resort Mỹ Khê (Quảng Ngãi) của Công ty cổ phần Du lịch Quảng Ngãi với giá khởi điểm hơn 30 tỷ đồng. Dự án có diện tích gần 3.700m2, thời hạn sử dụng đất đến năm 2042.
Ngân hàng Agribank cũng thông báo đấu giá lô đất diện tích hơn 3.000m2 tại quận Bình Thạnh, TPHCM là tài sản đảm bảo khoản vay của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu quốc tế Thái Dương với giá khởi điểm lên tới 165 tỷ đồng.
Đại hạ giá khoản nợ của chủ sân golf Đầm Vạc
Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) mới đây tiếp tục thông báo bán đấu giá khoản nợ hơn 800 tỷ đồng của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị (CUD), ông chủ của Dự án đầu tư xây dựng sân golf Đầm Vạc và Khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc (Vĩnh Phúc) sau 4 lần rao bán bất thành.
Theo đó, giá khởi điểm lần này ngân hàng đưa ra là hơn 658 tỷ đồng. Giảm khoảng 150 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên hồi tháng 3. Khoản nợ xấu của CUD tại OceanBank phát sinh theo hợp đồng tín dụng từ tháng 8/2007, và tổng dư nợ tạm tính đến hết ngày 7/4 là hơn 807,9 tỷ đồng, trong đó nợ gốc chiếm 229,8 tỷ đồng, còn lại là tổng tiền lãi và tiền phạt.
Theo thông báo của OceanBank, tài sản bảo đảm cho khoản nợ là toàn bộ tài sản gắn liền với hơn 50 ha đất thuộc quyền sử dụng của CUD trong thời hạn đến ngày 3/2/2054 tại xã Thanh Trù, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tài sản gắn liền đất gồm các tài sản đã và đang hoặc sẽ hình thành trong tương lai, bao gồm sân golf, công trình câu lạc bộ, công trình khách sạn 5 sao, hệ thống giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, khu bảo dưỡng sân golf, các công trình phụ trợ khác,…
Khu đất nói trên được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư xây dựng dự án sân golf Đầm Vạc và khu biệt thự, nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc, thị xã Vĩnh Yên từ năm 2014 và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 sân golf và khu biệt thự, nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc, thành phố Vĩnh Yên (lần 1) năm 2013.
Liên quan đến khoản nợ và tài sản đảm bảo của Hợp đồng, theo Báo cáo tài chính năm 2016 được kiểm toán bởi Công ty TNHH kiểm toán TTP nêu rõ: “Ngày 26/11/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1946/QĐ-TTg về việc: Phê duyệt quy hoạch sân golf đến năm 2020. Theo đó, dự án của CUD thuộc diện phải chia tách hoạt động sân golf độc lập với khu đô thị. Vì vậy, CUD đã dùng các tài sản là sân golf góp vốn vào pháp nhân mới để vận hành sân golf (Công ty CP Khu nghỉ dưỡng và sân golf Đầm Vạc).
“Các cổ đông CUD đã cùng thỏa thuận thành lập pháp nhân mới quản lý khai thác phần sân golf theo hướng dẫn của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi pháp nhân mới thành lập, các cổ đông cũ và cổ đông mới tại CUD đã hoán đổi cổ phần tại CUD sang cổ phần của Công ty CP Khu nghỉ dưỡng sân golf Đầm Vạc. Việc hoán đổi cổ phần này, tại CUD đã phát sinh một khoản công nợ phải thu từ các cổ đông hoán đổi chuyển sang cổ đông Công ty CP Khu nghỉ dưỡng và sân golf Đầm Vạc với số tiền 276,7 tỷ đồng”.
Theo OceanBank, CUD đã mang toàn bộ tài sản thế chấp góp vốn vào Công ty CP Khu nghỉ dưỡng và sân golf Đầm Vạc và đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần góp vốn của mình tại Công ty CP Khu nghỉ dưỡng và sân golf Đầm Vạc cho các tổ chức, cá nhân khác. Đây là vi phạm của CUD thực hiện đúng nghĩa vụ của Bên thế chấp. Ngân hàng OceanBank đã yêu cầu CUD trả lại nguyên trạng tài sản thế chấp nhưng đến nay công ty vẫn chưa thực hiện được.